SGGPO
Chia sẻ thông tin về tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU tại hội nghị do Bộ Công thương tổ chức (trực tiếp và trực tuyến) chiều 31-10, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, các cơ quan chức năng của Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị Việt Nam thực hiện tốt trên thực địa thì trong vòng 6 tháng sẽ gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản…
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đi kiểm tra thực tế, gặp gỡ ngư dân để nắm bắt tình hình khai thác hải sản |
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, thông tin, trong tháng 10, đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã sang Việt Nam kiểm tra thực địa và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng”.
Nhưng theo nhận xét của EC, trên thực địa, vẫn có một số vấn đề phát sinh. EC đề nghị các cơ quan chức năng, hiệp hội thủy sản, các địa phương của Việt Nam cần có hướng dẫn, sức ép nhiều hơn với ngư dân, ngư trường để đảm bảo việc triển khai các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là “tốt trên thực tế, chứ không phải chỉ tốt trên văn bản chỉ đạo”.
Cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Đoàn kiểm tra của EC tại Hà Nội ngày 18-10 về IUU |
Ông Trần Ngọc Quân cũng cho biết, Liên minh châu Âu đã nghiên cứu toàn bộ hoạt động sản xuất, khai thác và chế biến thủy hải sản của Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, EU đã đưa ra thêm đề nghị về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. “Phía EC đã thẩm định, lấy mẫu xác suất 20% lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất vào EU để kiểm tra thì trong đó, 73% là không đạt yêu cầu”, ông Trần Ngọc Quân cảnh báo, với EU thì tỷ lệ này là cực kỳ nghiêm trọng.
Bởi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU đã được cấp mã số, thậm chí trước khi đưa thủy sản sang EU còn được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ NN-PTNT Việt Nam.
“EU đã nêu ra cảnh báo, nếu chúng ta không cải thiện tình hình này thì có thể còn nhận những tình huống còn xấu hơn trong tương lai, thậm chí có thể đối mặt nguy cơ bị hạn chế xuất khẩu thủy hải sản vào EU”, ông Trần Ngọc Quân lo ngại.
Không chỉ dừng ở vấn đề khai thác tuân thủ các quy định về IUU, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU đề nghị, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt, hướng dẫn cho doanh nghiệp làm tốt hơn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với thủy sản xuất khẩu vào EU.
Thương vụ đang nỗ lực làm việc với các đơn vị của EC để giải thích các trường hợp của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. “Phía EU có cho biết là trong 6 tháng tiếp theo, nếu chúng ta có triển vọng tốt trên thực tế thì EC sẽ xem xét gỡ bỏ thẻ vàng trước khi Liên minh châu Âu chuyển vào bầu cử nghị viện”, ông Trần Ngọc Quân thông tin.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, nhu cầu tiêu thụ cá và hải sản của người tiêu dùng tại EU vẫn có xu hướng tăng. Trong tổng số 70 tỷ euro chi cho thủy sản tại EU, có 40% là cho nhập khẩu và dự kiến mức chi tiêu này còn tiếp tục tăng mỗi năm thêm 3,38%.
Thế nhưng, trong 8 tháng năm 2023, giá trị kim ngạch nhập khẩu thủy sản của EU từ Việt Nam đã giảm tới 32% (nhiều nhất), từ Ấn Độ giảm 20%, Ecuador giảm 8%, Thái Lan giảm 9%… (chỉ riêng từ Trung Quốc tăng 3,5%).
Nguyên nhân thủy sản Việt Nam xuất sang EU giảm là do thủy sản xuất khẩu từ Trung Quốc sang EU tăng, đồng thời sản lượng thủy sản sản xuất nội khối EU tăng khoảng 3,5% và giá xuất khẩu thủy sản năm nay bị giảm (9 tháng, mức giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã giảm khoảng 17% so với năm 2022).
Trong các tháng còn lại của năm 2023, EU dự báo tiếp tục tăng nhập khẩu thủy sản, nhưng sẽ không có tăng đột biến, nên tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU cả năm có thể giảm nhẹ.