Mặc dù có nhiều khó khăn song thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.
Dự kiến xuất khẩu nông lâm thủy sản của toàn ngành nông nghiệp năm 2024 sẽ đạt kế hoạch Chính phủ giao. (Ảnh: Nguyễn Thanh) |
Tại cuộc Họp báo thường kỳ quý II năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chiều 28/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, với kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của toàn ngành nông nghiệp năm 2024 sẽ đạt 54 tỷ USD, mức Thủ tướng Chính phủ giao.
Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mặc dù có nhiều khó khăn song thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản vẫn được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản khoảng 20,92 tỷ USD.
Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%. Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Vừa qua Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) đã có kiến nghị về thủ tục cấp giấy xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác (S/C) tại các cảng cá. Ở nhiều nơi đang kéo dài và mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng tháng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
Về vấn đề này, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết, do có những sai sót nên vừa qua một số địa phương đã thận trọng hơn trong cấp giấy xác nhận. Điều này làm cho thời gian cấp bị tăng lên.
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Cục Thủy sản đã triển khai phần mềm truy xuất điện tử, tổ chức các lớp tập huấn và triển khai ở 28 tỉnh thành ven biển, nhất là cho các ban quản lý cảng cá, bộ đội biên phòng…
Việc triển khai phần mềm truy xuất điện tử được Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao. Việc truy xuất điện tử cũng sẽ đảm bảo sự tin cậy, minh bạch trong việc cấp giấy chứng nhận cũng như góp phần khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, ông Nhữ Văn Cẩn chia sẻ.
Trước vấn đề một số diện tích lúa ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, bị nhiễm mặn, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho thấy vụ Đông Xuân 2023-2024 và vụ Hè Thu có khoảng trên 2 ha bị nhiễm mặn và cùng một vị trí. Khu vực lúa bị nhiễm mặn gần với khu vực xây dựng đường cao tốc.
Để đánh giá thiệt hại ở vụ Hè Thu thì cần phải chờ đến cuối vụ. Về xác định nguyên nhân, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, đây là vấn đề khó, cần có sự đánh giá hệ thống và toàn diện. Việc xác định này cần có thời gian.
Ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh: “Nếu họ sử dụng cát biển thì cần đánh giá không chỉ ở khu vực này mà cả ở các khu vực khác để đánh giá tổng quan và mang tính chất khái quát. Việc đánh giá này cần sự vào cuộc của các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/diem-danh-7-mat-hang-nong-lam-thuy-san-co-gia-tri-xuat-khau-dat-tren-1-ty-usd-276797.html