SGGPO
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy nuôi trồng biển.
Trong khuôn khổ phiên chất vấn Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chiều 15-8, đề cập đến “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu áp dụng cho thủy sản Việt Nam, ĐB Nguyễn Đại Thắng cho biết, tỷ trọng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU giảm dần qua từng năm. Một trong những nguyên nhân chưa gỡ được cảnh báo thẻ vàng là số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Việc theo dõi, kiểm soát tàu cá còn bất cập. Tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối dài ngày chiếm khoảng trên 15% so với tổng số lượng tàu cá đã được lắp đặt hệ thống giám sát.
ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng trên, qua đó góp phần sớm gỡ được cảnh báo thẻ vàng.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn |
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ “thẻ vàng”. Chính vì thế, Bộ trưởng gửi gắm đến lãnh đạo chính quyền địa phương cùng đối thoại để tìm hướng hỗ trợ cho ngư dân, giải quyết được câu chuyện càng cạn kiệt thì càng khai thác, càng khai thác thì càng cạn kiệt. Đồng thời nâng cao năng lực, kỹ năng đi biển và trách nhiệm của ngư dân. Phải làm tốt hơn nữa công tác giám sát, tăng cường kiểm tra đầu vào từng chiếc tàu ra khơi, kiểm tra từng thiết bị giám sát hành trình; tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn hàng của doanh nghiệp.
ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phản ánh, quy trình xin phép nuôi trồng biển phức tạp, phải làm việc với nhiều bộ |
Trả lời các ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) về quy hoạch khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, có 3 trụ cột trong kinh tế biển là khai thác – nuôi trồng – bảo tồn. Bộ NN-PTNT cũng đã có quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cũng quy hoạch được 11/17 khu bảo tồn biển. Tuy nhiên về nguồn lực đầu tư cũng chưa thỏa đáng. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, số khu bảo tồn biển phải chiếm 6% diện tích mặt biển nhưng đến nay mới chỉ đạt 0,17%. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới thực hiện tốt hơn Đề án quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như Đề án phát triển khu bảo tồn.
Đại biểu tham dự phiên chất vấn |
Về phản ánh của ĐB Thu Hà (Quảng Ninh) rằng, quy trình xin vùng biển để thực hiện nuôi trồng phải làm việc với nhiều bộ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ rà soát lại toàn bộ vấn đề này để thực hiện cải cách các thủ tục hành chính như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, đảm bảo đơn giản hóa thủ tục, đồng thời vẫn đáp ứng được các yêu cầu về an ninh quốc phòng, môi trường, cảnh quan, mật độ nuôi trồng. “Nuôi trồng là một cách giảm khai thác, nên đối tượng ưu tiên đầu tiên chính là các ngư dân mà chúng ta mong muốn giảm khai thác”, Bộ trưởng nêu rõ.
Về vấn đề chuyển đổi nghề, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có Quyết định 288 và kế hoạch hoạt động về chuyển đổi nghề, tuy nhiên vẫn có khuyết điểm là hơi chậm, chính sách chưa rõ ràng, chưa tạo thành cú hích để hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng.
“Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục xem xét, đối thoại với những người dân trong diện chuyển đổi, trong diện không cho khai thác do cường độ cao, để có các phương án cụ thể, khả thi cho vấn đề này. Có thể lựa chọn phương án bà con lên bờ, nhưng vẫn duy trì nuôi biển, nuôi trồng cạn, hoặc nuôi ở ven bờ với cường độ đảm bảo được về môi trường. Bên cạnh đó, có thể chuyển hẳn sang nghề khác, tạo điều kiện cho bà con làm du lịch biển, hoặc làm việc trong các khu công nghiệp. Mỗi đối tượng đều sẽ có chính sách cụ thể kèm theo, không chung chung”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.