Tham dự buổi làm việc, về phía đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận có ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL và các đơn vị liên quan. Về phía Bộ VHTTDL có bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc; ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; bà Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở và đại diện các cục, vụ, đơn vị liên quan.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, cho biết, Ngày hội dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9 với chủ đề Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Ngày hội có sự tham gia của khoảng 1.200 nghệ nhân, diễn viên quần chúng thuộc đồng bào dân tộc Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Khánh Hoà, TP Đà Nẵng, TP.HCM và Bình Phước.
Một số hoạt động điểm nhấn của Ngày hội dự kiến bao gồm chương trình khai mạc, bế mạc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực truyền thống; trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; triển lãm Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam…
Các hoạt động nhằm tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh trật tự đối với đồng bào dân tộc Chăm trong tình hình mới và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.
Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ; thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh thuộc khu vực này.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh Ninh Thuận nhận thức đây là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, đồng thời đây cũng là cơ hội để Ninh Thuận tăng cường quảng bá di sản văn hóa dân tộc Chăm, vùng đất, con người của tỉnh, tiềm năng du lịch, để Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Long Biên đề xuất Ngày hội sẽ có sự kết hợp với Lễ hội Katê, một trong những lễ hội quan trọng của người Chăm ở Ninh Thuận; đồng thời tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch của tỉnh với sự tham gia của 11 địa phương tham dự Ngày hội.
Tỉnh Ninh Thuận đang huy động các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ VHTTDL để triển khai nhiệm vụ trên tinh thần nghiêm túc, khẩn trương.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo kế hoạch tổ chức Ngày hội. Theo đó, các đại biểu đều khẳng định, các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội phải thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm; mang tính quần chúng, phong phú về loại hình, sáng tạo, đa dạng, độc đáo về nội dung. Đại diện các đơn vị cho rằng, cần bổ sung các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Chăm vào sự kiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu các đơn vị tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động phối hợp nhịp nhàng trong việc tổ chức Ngày hội, hoàn thành các nhiệm vụ theo đúng tiến độ; đảm bảo chất lượng.
Thứ trưởng giao Vụ Văn hóa dân tộc làm đầu mối, phối hợp đôn đốc các đơn vị triển khai nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận triển khai hoàn thiện Kế hoạch tổ chức Ngày hội.
Thứ trưởng yêu cầu, dự thảo kế hoạch tổ chức Ngày hội cần sớm hoàn thiện trên cơ sở đã lấy ý kiến 11 tỉnh và các đơn vị tham gia. Mục đích là đảm bảo Ngày hội diễn ra thực sự ý nghĩa, ấn tượng và chuyên nghiệp. Trường hợp có vướng mắc, cần chủ động họp bàn, báo cáo với lãnh đạo Bộ để tháo gỡ.
“Ngày hội cần được tổ chức trang trọng, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, nêu cao tinh thần tự hào về văn hóa dân tộc Chăm trong nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc. Ngoài ra, ý tưởng xuyên suốt các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội là để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, thông qua các hoạt động trình diễn, quảng bá. Lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống phải mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc Chăm, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc; phát huy các yếu tố tích cực và loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay.
Đồng thời, chuỗi hoạt động cần có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Chăm” – Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu./.