Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được thông qua ngày 19/2/2025.
Nghị quyết có sự đồng thuận rất cao
Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng dự án điện hạt nhân được thông qua với số phiếu tán thành gần như tuyệt đối với 459/460 đại biểu tán thành đã cho thấy chủ trương tái khởi động và xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã đạt được sự đồng thuận rất cao từ Trung ương đến địa phương, hoàn tất cơ sở pháp lý để đưa dự án hết sức quan trọng này của quốc gia về đích đúng hẹn.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp bất thường vừa diễn ra của Quốc hội, dự kiến thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là kể từ ngày được Quốc hội thông qua đến hết ngày 31/12/2031.
Điện hạt nhân sẽ là động lực quan trọng để đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới. Ảnh minh họa |
Một nội dung hết sức có ý nghĩa là đã bổ sung đối tượng áp dụng là tỉnh Ninh Thuận trong Nghị quyết. Việc hỗ trợ thêm nguồn thu cho tỉnh Ninh Thuận trong thời gian này là hết sức cần thiết trong bối cảnh Ninh Thuận rất khó thu hút các nhà đầu tư, trong khi tỉnh có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn, nguồn lực rất hạn chế để triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Việc bổ sung này để vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vừa tạo điều kiện phát triển hạ tầng tạo thuận lợi để phục vụ triển khai đầu tư xây dựng Dự án, trong đó có việc bồi thường, thu hồi đất, tái định cư và an sinh xã hội trong giai đoạn trước mắt. Các chính sách cụ thể, dài hạn sẽ giao Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành.
Như tên gọi của Nghị quyết, cụm từ “cơ chế, chính sách đặc biệt” được sử dụng xuyên suốt Nghị quyết. Điều này có nghĩa để khẳng định tính đặc thù và quan trọng của cơ chế này đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như thể hiện sự cần thiết có các cơ chế riêng biệt để triển khai dự án một cách nhanh chóng và phù hợp với yêu cầu an toàn, chất lượng và tiến độ, đồng thời bảo đảm sự thống nhất về mặt pháp lý và mục tiêu của Nghị quyết.
Điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án quy mô rất lớn, lần đầu thực hiện tại Việt Nam và đòi hỏi nguồn lực lớn nên Quốc hội yêu cầu cần có cơ chế, chính sách bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ phải có tổ công tác để giám sát việc thực hiện dự án.
Có thể nói việc tái khởi động và hoàn thiện các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được tiến hành trong một thời gian rất ngắn, tính từ hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối tháng 11/2024.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu tại hội nghị Trung ương ngày 25/11/2024 đã chỉ rõ, đây là công việc quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Công việc này cần được thực hiện khẩn trương, đáp ứng yêu cầu cao nhất về bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường.
Bước tiến lịch sử phát triển hạ tầng năng lượng
Bối cảnh phát triển mới của đất nước trong kỷ nguyên cả dân tộc vươn mình, hướng tới những mục tiêu thế kỷ, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập Nước (2045) đặt ra những yêu cầu rất cao cho phát triển hạ tầng năng lượng cả trước mắt và lâu dài. Năng lượng không chỉ đóng vai trò bảo đảm cho phát triển mà còn mang ý nghĩa quan trọng với việc bảo đảm an ninh quốc gia.
Việc tạo những cơ sở để xây dựng và bảo đảm một hạ tầng năng lượng ổn định không chỉ tạo cơ sở cho việc phát triển nhanh, bền vững đất nước mà còn góp phần thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho tăng trưởng kinh tế, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn thế chế.
Việc Việt Nam tái khởi động và triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là hết sức cần thiết và kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng đang diễn ra nhanh chóng trên quy mô toàn cầu. Đồng thời giúp tận dụng được những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong phát triển năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Nghị quyết của Quốc hội về về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng góp phần khẳng định mạnh mẽ việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc cùng cộng động quốc tế tiến tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Đồng thời khẳng định điện hạt nhân sẽ thực sự là một động lực để đưa Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới.
Nghị quyết của Quốc hội quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần, và một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện dự án. |
Nguồn: https://congthuong.vn/dien-hat-nhan-dong-luc-dua-dat-nuoc-vao-ky-nguyen-moi-374577.html
Bình luận (0)