Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh các bề mặt trong nhà, giữ khoảng cách với người ốm để giảm nguy cơ cảm lạnh.
Cảm lạnh là bệnh viêm đường hô hấp trên, tác động lên mũi, họng. Triệu chứng thường gặp như ho, hắt hơi, thay đổi màu sắc đờm, phát ban, đau tai, cổ họng.
Bệnh do virus gây ra với khoảng 200 loại virus khác nhau. Trong đó, rhinovirus là nguyên nhân phổ biến nhất. Virus có thể lây truyền từ người sang người khi ho, hắt hơi, tiếp xúc với bề mặt chứa dịch tiết có virus.
Vi trùng lây lan dễ dàng hơn trong không gian chật hẹp. Nếu trong nhà có người cảm lạnh, các thành viên có khả năng lây nhiễm cao. Dưới đây là các cách giúp bảo vệ những người trong gia đình phòng tránh bệnh.
Nên làm
Rửa tay thường xuyên là cách tốt nhất để phòng tránh cảm lạnh. Các thành viên trong gia đình có khả năng cao chạm vào vi trùng bám vào các đồ vật trong nhà. Vi trùng ở trên tay dễ dàng xâm nhập vào cơ thể nếu tay chạm vào mắt, mũi, miệng.
Nên rửa sạch tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tả, giặt quần áo cho người bệnh. Rửa tay trước và sau khi chăm sóc người đang cảm lạnh. Dùng nước rửa tay hoặc sát khuẩn để vệ sinh tay sạch hơn.
Vệ sinh các bề mặt: Để ngăn chặn lây lan vi trùng, mọi người nên thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt như bàn, ghế, tay cầm tủ lạnh, tay nắm cửa, điều khiển tivi, vòi nước.
Các thiết bị như tivi, máy tính, máy tính xách tay và điện thoại cũng có khả năng chứa vi khuẩn, cần vệ sinh 24 giờ một lần. Khi trẻ em bị cảm, phụ huynh nên vệ sinh đồ chơi của con, khử trùng đồ chơi thường xuyên.
Sử dụng đồ dùng một lần: Vi trùng gây cảm lạnh có thể bám vào vải như khăn lau bàn, khăn tắm hay khăn lau tay. Người bị ốm nên dùng giấy để lau tay, lau mặt, xì mũi và vứt ngay sau khi sử dụng. Kể cả lau bát, đũa, bạn cũng nên lau bằng giấy tạm thời trong thời gian này. Dùng ly giấy sử dụng một lần để thay cho cốc đánh răng và cốc uống nước.
Giữ khoảng cách với người ốm trong 3-5 ngày hoặc khi các triệu chứng khỏi hoàn toàn để chắc chắn vi trùng không lây lan qua tiếp xúc.
Nếu có thể, người bệnh nên ở phòng riêng để sinh hoạt, ngủ. Chuẩn bị một số vật dụng cần thiết như khăn giấy, thùng rác, thuốc, chai nước trong phòng.
Tăng cường sức khỏe miễn dịch cho người bệnh và người thân bằng nhiều trái cây và rau. Ưu tiên thực phẩm giàu vitamin A (khoai lang, cà rốt, rau bina), vitamin C (trái cây họ cam quýt) và vitamin E (hạnh nhân, hạt hướng dương).
Protein nạc (hải sản, trứng, đậu) cũng góp phần tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể, bảo vệ khỏi bệnh tật. Nghỉ ngơi, tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức đề kháng.
Không nên làm
Các thành viên trong gia đình không nên dùng thức ăn chung, đồ uống, cốc, khăn mặt hay khăn tắm chung với người bệnh. Giữ bàn chải đánh răng của người bệnh tách biệt với bàn chải đánh răng của người khác trong nhà. Không nên để người bệnh tiếp tục dùng bàn chải đánh răng sau khi đã khỏe lại.
Đừng để trẻ khỏe mạnh dùng chung đồ chơi, tránh thói quen xấu như cắn móng tay, dụi mắt hoặc nhai bút chì vì tạo điều kiện cho vi trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.
Mọi người nên tiêm phòng cúm định kỳ. Vaccine cúm thường mất hai tuần mới có hiệu lực phòng bệnh.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |