Uống cà phê nóng làm ấm cổ họng, còn uống lạnh giải khát tốt nhưng dễ tổn thương niêm mạc đường hô hấp gây ho.
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều người thích uống cà phê lạnh, nhất là vào mùa hè vì đã khát. Tuy nhiên, đá lạnh dễ khiến niêm mạc đường hô hấp co lại hoặc phù nề, xung huyết, tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn tấn công.
Cà phê pha nóng có hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn, giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương tế bào so với cà phê lạnh. Đồ uống nóng làm ấm cổ họng, tăng lưu thông máu.
Bác sĩ Đô dẫn nghiên cứu của Mỹ cho thấy nhiệt độ uống cà phê lý tưởng trung bình là 60 độ C, có thể cao hoặc thấp hơn 8,3 độ C. Mức nhiệt đảm bảo độ ngon của đồ uống.
Người trưởng thành khỏe mạnh không nên uống quá 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương 4 tách cà phê phin. Thanh thiếu niên không sử dụng quá 100 mg caffeine mỗi ngày. Tiêu thụ nhiều caffeine có thể cao huyết áp, tăng nhịp tim, tăng cơn đánh trống ngực, từ đó khó thở, thở nông, nhịp thở ngắn.
Chuyên viên dinh dưỡng Trần Phạm Thúy Hòa, Khoa Dinh dưỡng, cho biết để tận dụng tối đa công dụng của cà phê, khi pha nên hạn chế đường, sữa đặc hoặc kem. Pha với quá nhiều đường, sữa đặc hoặc kem sẽ kích thích tế bào insulin trong tụy. Lượng glucose (đường), chất béo cao tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường.
Thời điểm tốt nhất để uống cà phê là từ giữa đến cuối buổi sáng. Lúc này, hormone cortisol trong cơ thể thấp, caffeine sẽ tăng nồng độ cortisol, giúp tỉnh táo, tập trung. Người thức dậy khoảng 6h30, thời gian lý tưởng để uống là từ 9h30 đến 11h30.
Hoài Phạm
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để được bác sĩ giải đáp.