Theo chuyên gia, số tiền trúng thưởng giống như một khoản do bản thân tích lũy được, cần ưu tiên kế hoạch chi tiêu thiết yếu, sau đó mới đến đầu tư.
Tôi vừa trúng thưởng một chương trình khuyến mãi của hãng nước ngọt, nhận tiền mặt 1 tỷ đồng. Trước giờ, tôi chỉ làm công ăn lương, với mức thu nhập “đủ ăn đủ mặt” nên không tính đến chuyện dùng tiền hay tìm cách để “tiền đẻ ra tiền” như những người khác.
Giờ đây nhận số tiền lớn, tôi không biết nên phân chia và sử dụng thế nào cho hợp lý. Trước mắt, tôi không có nhu cầu dùng tiền nhiều cho việc gì, vẫn muốn làm công việc hiện tại. Nhờ chuyên gia tư vấn giúp.
Vũ Phương
Chuyên gia tư vấn:
Vì thông tin bạn cung cấp chưa đủ chi tiết nên nội dung tư vấn sẽ mang tính tổng quát. Hy vọng lời khuyên của tôi sẽ giúp ích được cho bạn.
Hiện tại, bạn có một công việc vừa đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình, không có dư để tích lũy hoặc dự phòng. Vì vậy, bạn hãy xem 1 tỷ đồng này như là khoản tiền bạn đã tích lũy được đến thời điểm hiện tại. Việc sử dụng khoản tiền này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch chi tiêu thiết yếu trong tương lai và kế hoạch đầu tư của bạn (theo thứ tự ưu tiên).
Kế hoạch chi tiêu thiết yếu trong tương lai là những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống mà bạn đang ấp ủ thời gian dài nhưng không thể làm được như mua nhà, sửa chữa nơi sinh sống, quỹ học vấn cho con ăn học, cải thiện tình hình sức khỏe… Các kế hoạch trên có mục đích nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp cho cả gia đình bạn có thêm sức khỏe và tinh thần. Đây là nền tảng để tạo ra nhiều của cải và vật chất một cách bền vững trong thời gian dài.
Với khoản tiền dùng cho kế hoạch chi tiêu thiết yếu, bạn nên gửi tiết kiệm ngân hàng theo kỳ hạn phù hợp với kế hoạch sử dụng tiền. Ví dụ, 7 tháng sau bạn muốn sửa nhà, nên gửi tiết kiệm 6 tháng để có lãi suất tốt nhất; với kế hoạch ngắn hạn khoảng 1 tháng, bạn nên gửi tiết kiệm tương ứng 1 tháng.
Ngoài ra, bạn cũng nên đầu tư nâng cao năng lực của bản thân trong ngành nghề mình đang làm việc nhằm gia tăng thu nhập để có thặng dư hàng tháng. Bạn có thể tham gia các khóa học để nâng cao kỹ năng làm việc, chuyên môn hoặc kỹ năng quản lý. Đây chính là nền tảng cho một cuộc sống ổn định lâu dài.
Sau khi trừ số tiền dành cho kế hoạch chi tiêu thiết yếu ở trên, còn lại chính là số tiền sẽ dùng cho kế hoạch đầu tư. Để có một kế hoạch đầu tư hiệu quả và phù hợp, cần thêm rất nhiều thông tin về tình hình tài chính của bạn và những mong muốn trong tương lai. Vì vậy, tôi đề xuất 2 phương án mà bạn có thể cân nhắc như sau.
Thứ nhất là sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư. Bạn có thể trả một khoảng phí để các chuyên gia tư vấn lên kế hoạch đầu tư phù hợp. Điều quan trọng là các chuyên gia sẽ giúp bạn tránh được các cạm bẫy, lừa đảo trên thị trường, hạn chế mất mát lớn về số vốn. Ngoài ra, họ cũng sẽ đưa ra các phương án đầu tư phù hợp để bạn lựa chọn.
Thứ hai là tự học về kiến thức đầu tư. Bạn có thể dùng số tiền này để tham gia các khóa học nhằm nâng cao kiến thức về đầu tư. Sau khi có kiến thức, bạn sẽ lên kế hoạch đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình. Bạn lưu ý khi bắt đầu tham gia trải nghiệm đầu tư, nên tìm hiểu thật kỹ về mặt rủi ro cũng như tham gia với số tiền nhỏ để giảm thiểu những mất mát có thể xảy ra do thiếu kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế.
Phan Hoàng Quân
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT