Trong đó, công tác tập huấn được coi trọng, để giáo viên/nhân viên nhà trường có thể sử dụng thành thạo được AI trong công việc, từng bước phổ biến kiến thức, hiểu biết về AI để giúp học sinh có thể cư xử với AI phù hợp.
Hơn 200 cán bộ, giáo viên cốt cán các trường học thuộc quận Ba Đình (Hà Nội) vừa được tập huấn ứng dụng AI trong quản lý, giảng dạy. Tại hội nghị do Phòng Giáo dục Đào tạo (GDĐT) quận Ba Đình tổ chức ngày 19/2, các giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên phụ trách công nghệ thông tin của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn đã được nghe các chuyên gia chia sẻ về ý nghĩa cũng như tiện ích của ứng dụng AI trong quản lý, giảng dạy và học tập; nghe giới thiệu công nghệ Google hỗ trợ chuyển đổi số trong giáo dục và xây dựng năng lực số theo khung năng lực số của Việt Nam. Trước xu hướng của tương lai, việc ứng dụng AI trong giáo dục nói chung và việc giảng dạy đã nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên.
Trước đó, khảo sát thực hiện trên 2.100 cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện đang công tác tại các phòng, ban và trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận Ba Đình cho thấy có 78,3% cán bộ, giáo viên sử dụng công nghệ hàng ngày trong công việc, nhưng chỉ 62,3% từng ứng dụng AI vào giảng dạy. Còn 37,7% chưa từng tiếp cận AI do thiếu phương tiện, kỹ năng hoặc chưa biết đến các ứng dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Khảo sát cũng cho thấy, trong số các mục đích sử dụng công cụ AI, tìm kiếm thông tin (66,4%), soạn bài giảng (63%) và tạo học liệu (46,5%) là 3 nhu cầu phổ biến nhất. Đa số giáo viên mong muốn được nâng cao kỹ năng bảo mật và quản lý dữ liệu, tích hợp AI vào giảng dạy, thiết kế học liệu bằng AI và sử dụng các công cụ AI cơ bản…
Còn tại TP Hồ Chí Minh, ngành giáo dục và đào tạo địa phương này đã xác định AI là một xu hướng công nghệ quan trọng và đã khởi xướng nhiều chương trình thí điểm để tích hợp AI vào quản lý giáo dục và giảng dạy. Trong đó có 2 giải pháp thí điểm: Mô hình hỗ trợ học sinh tự điều chỉnh lộ trình học tập của mình; mô hình dự đoán, đề xuất nội dung, kiến thức học sinh cần được bổ sung. 2 giải pháp sáng kiến này tận dụng các nguồn dữ liệu và hạ tầng hạn chế hiện có để nâng cao kết quả giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho hay, thành phố có nhiều thuận lợi khi đưa AI vào giáo dục với sự hỗ trợ đồng hành của nhiều doanh nghiệp. AI hỗ trợ giáo viên cá thể hóa quá trình dạy học, phân tích xu hướng dạy học, đưa ra giải pháp học tập tối ưu cho học sinh. Khi ứng dụng AI, học sinh được thỏa mình sáng tạo, học tập một cách chủ động. Đặc biệt, với công nghệ số, AI cũng giúp đưa các giải pháp giáo dục hiện đại đến với những vùng khó, nhất là ở vùng ngoại thành, rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa trung tâm, ngoại thành… Hơn hết, AI cũng mở ra nền tảng để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học khi với sự hỗ trợ của công nghệ giúp việc giảng dạy tiếng Anh, dạy khoa học bằng tiếng Anh trở nên thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) đánh giá cao sự chủ động, tiên phong của TP Hồ Chí Minh trong việc tích cực ứng dụng công nghệ mới trong ngành giáo dục. Bộ GDĐT xác định AI rất hữu ích cho ngành song cực kỳ thách thức nếu sử dụng không phù hợp. Ông Hải nhấn mạnh, để ứng dụng tốt AI trong giáo dục thì trước hết cần nâng cao nhận thức cho quản lý, giáo viên, người học để hiểu đúng về AI. Cạnh đó là cần tập huấn để đội ngũ sử dụng thành thạo được AI trong công việc. Khi đã hiểu đúng về vai trò của AI trong giáo dục, người thầy sẽ không còn “sợ” AI nữa mà thay vào đó hiểu được rằng AI không thể thay thế được giáo viên mà chỉ là công cụ hỗ trợ, quyết định sử dụng AI là do thầy và trò.
Ông Lê Đức Thuận- Trưởng phòng GDĐT quận Ba Đình (Hà Nội) đánh giá, việc ứng dụng AI trong giảng dạy không chỉ giúp giáo viên nâng cao hiệu quả công tác mà còn tạo ra môi trường học tập hiện đại, sáng tạo cho học sinh. Từ kết quả khảo sát thực tế, Phòng GDĐT quận sẽ phối hợp với Công ty cổ phần Tomotech xây dựng kế hoạch đào tạo chi tiết, dự kiến triển khai từ tháng 2 đến hết tháng 4/2025 với quy mô gần 3.000 học viên, bao gồm 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn.
Nguồn: https://daidoanket.vn/nang-cao-nang-luc-ung-dung-ai-cho-giao-vien-10300217.html
Bình luận (0)