Tìm thấy mộ “người chồng bị lãng quên” của nữ pharaoh lừng danh

Người Lao ĐộngNgười Lao Động21/02/2025

(NLĐO) - Sau gần 1,5 thế kỷ kể từ khi tìm thấy xác ướp "lưu lạc", mộ phần của vị pharaoh có "vương triều bị lu mờ" Thutmose II đã lộ diện.


Viết trên X, Bảo tàng Ai Cập (trụ sở chính tại Cairo) cho biết một nhóm nghiên cứu Anh - Ai Cập đã tìm thấy mộ phần của Pharaoh Thutmose II, vị vua thứ tư của Vương triều thứ 18 Ai Cập cổ đại, chồng của nữ hoàng Ai Cập lừng danh Hatshepsut.

Đây là mộ phần đầu tiên của một pharaoh được phát hiện tại Ai Cập sau hơn 1 thế kỷ kể từ khi nơi an nghỉ của Pharaoh nơi Tutankhamun lộ diện năm 1922.

Và đó cũng là 144 năm sau khi xác ướp của Pharaoh Thutmose II được tìm thấy (năm 1881).

Tìm thấy mộ “người chồng bị lãng quên” của nữ pharaoh lừng danh- Ảnh 1.

Một bức phù điêu bên trong lăng mộ Pharaoh Thutmose II - Ảnh: BẢO TÀNG AI CẬP

"Sự nguy nga của nơi chôn cất đã được thể hiện ngay lập tức, với một cầu thang rộng lớn và một hành lang xuống uy nghiêm" - TS Piers Litherland từ Viện Nghiên cứu khảo cổ học McDonald thuộc Đại học Cambridge (Anh), giám đốc thực địa của cuộc khai quật, cho hay.

Một phần của trần nhà 3.500 tuổi vẫn còn nguyên vẹn với nền sơn xanh và những ngôi sao màu vàng, chi tiết trang trí chỉ được tìm thấy trong lăng mộ của các vị pharaoh.

Ngoài ra, trần nhà cũng được trang trí bằng Amduat, một văn bản tang lễ cổ đại dành riêng cho các vị vua, điều giúp các nhà khoa học khẳng định thân phận của người được an táng trong mộ.

Nhóm nghiên cứu đã phải bò qua một lối đi hẹp dài 10 mét, luồn lách qua một lỗ mở rộng chưa đầy 40 cm vuông để đến được căn phòng có trần nhà xanh này.

Tìm thấy mộ “người chồng bị lãng quên” của nữ pharaoh lừng danh- Ảnh 2.
Tìm thấy mộ “người chồng bị lãng quên” của nữ pharaoh lừng danh- Ảnh 3.

Lối vào lăng mộ Thutmose II được tìm thấy dưới chân một vách đá - Ảnh: BẢO TÀNG AI CẬP

Bằng chứng xác thực về việc chủ nhân ngôi mộ là Thutmose II xuất hiện dưới dạng các mảnh vỡ của lọ thủy tinh có khắc tên của ông và tên của Nữ hoàng Hatshepsut.

Các chi tiết cho thấy ngôi mộ có thể đã bị ngập lụt khoảng 6 năm sau khi chôn cất, có thể khiến cho việc di dời đồ đạc bên trong.

Đó có thể là lý do thi hài của vị pharaoh đã được người vợ Hatshepsut di dời đến một nơi chôn cất bí mật tại Deir el-Bahri, một quần thể đền thờ tọa lạc ngay phía trên phía trên ngôi đền của Hatshepsut ở bờ Tây sông Nile.

Các nhà khảo cổ cũng tin rằng vẫn còn nhiều kho báu ẩn giấu bên trong cụm kiến trúc và nơi họ tiếp cận được mới chỉ là một phần nhỏ của lăng mộ.

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này giải quyết được một bí ẩn lớn của Ai Cập cổ đại, đó là vị trí của mộ các vị vua Vương triều thứ 18.

Ngôi mộ của Thutmose II chưa bao giờ được tìm thấy vì người ta luôn cho rằng nó nằm ở đầu bên kia của ngọn núi gần Thung lũng các vị vua.

Khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên của lăng mộ này, các nhà khảo cổ từng ngỡ rằng đó là lăng mộ của một nữ vương, vợ của một pharaoh nào đó, với giả thuyết được ủng hộ hàng đầu là vợ của con trai Pharaoh Thutmose II.

Đây cũng là một phát hiện rất quý giá bởi hứa hẹn làm rõ nhiều điều về vị pharaoh mà lịch sử rất ít ghi chép này. Vương triều của ông được các nhà Ai Cập học mô tả là bị lu mờ trước quyền lực của người vợ nổi tiếng Hatshepsut.

Thutmose II cai trị Ai Cập những năm 1493 đến 1479 trước Công nguyên, cũng có một số thành tựu, nhưng người ta cho rằng người nắm quyền thực sự là Hatshepsut, bởi những chính sách được đưa ra mang màu sắc y hệt những gì Hatshepsut làm khi chồng qua đời.

Hatshepsut là người chị cùng cha khác mẹ và là chính thất của Thutmose II. Khi ông qua đời, bà đóng vai trò người đồng cai trị với Thutmose III - con trai của Thutmose II và một người vợ lẽ - dưới danh nghĩa nhiếp chính.

Mặc dù vậy, lịch sử Ai Cập coi Hatshepsut mới là người cai trị thực sự và thường gọi bà chính thức là Pharaoh Hatshepsut.

Pharaoh Hatshepsut trị vì trong 21 năm (1479 đến 1458 trước Công Nguyên), đã giúp Ai Cập bước vào giai đoạn thịnh vượng đỉnh cao.

Bà đã chỉ huy thành công nhiều chiến dịch quân sự quan trọng thiết lập lại mạng lưới thương mại từng bị gián đoạn của Ai Cập cổ đại và chỉ đạo việc xây dựng nhiều công trình vĩ đại.



Nguồn: https://nld.com.vn/tim-thay-mo-nguoi-chong-bi-lang-quen-cua-nu-pharaoh-lung-danh-196250221093844069.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available