Mỗi người dân, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực thích ứng, tự bảo vệ và là người tiếp cận, sử dụng và ứng dụng thông thái những thành tựu của công nghệ số.
TS. Cù Văn Trung. (Ảnh: NVCC) |
Động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên số
Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng: “Chuyển đổi số – Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Có thể nói, bài viết của Tổng Bí thư đã tạo đột phá trong việc nhận thức về tiến trình chuyển đổi số đúng với bản chất, vai trò và vị trí của nó đối với sự phát triển của đất nước. Bài viết cũng là định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Để thích ứng và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng số, doanh nghiệp cũng có nhiều loại mô hình hoạt động – mô hình truyền thống, doanh nghiệp theo mô hình của xu hướng hiện đại. Dù theo loại hình hay cách thức hoạt động nào đi chăng nữa thì mỗi doanh nghiệp cần thường xuyên cải tiến và cập nhật những thông tin mới, công nghệ mới theo khả năng, điều kiện và hoàn cảnh của đơn vị mình.
Tôi nghĩ rằng, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ ngày nay họ rất nhạy bén, năng động và có hiểu biết về những diễn biến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có dịp tiếp xúc với các bạn trẻ doanh nghiệp, tôi nhận thấy họ phá cách, đi trước các vấn đề của hiện thực xã hội. Họ được học tập ở nước ngoài, trong môi trường quốc tế và về Việt Nam để khởi nghiệp. Họ liên kết, hướng dẫn, đào tào đội ngũ người lao động có khả năng làm việc trong thời đại công nghệ số. Chẳng hạn như mở các lớp đào tạo thương mại điện tử thực chiến, đào tạo nhân lực người Ấn Độ nhằm đưa họ vào thị trường Việt Nam làm việc.
Như vậy, có thể thấy, bằng tư duy tầm nhìn và ứng dụng khoa học công nghệ, hiểu biết về chỗ trũng, chỗ thiếu về cái này, cái kia mà họ tìm ra con đường khởi nghiệp, sáng tạo cho các hoạt động kinh doanh của mình.
Nếu để chỉ ra một công thức chung nhất đối với doanh nghiệp hiện nay để làm sao phát huy tốt nhất những thuận lợi của thời đại số nhằm phát triển, theo tôi mỗi doanh nghiệp cần có 5 trụ cột: Văn hóa và chiến lược kinh doanh số; gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng; tối ưu quy trình; công nghệ hóa; phân tích và quản lý dữ liệu.
“Cuộc cách mạng số cũng đặt ra những vấn đề về đạo đức. Cho nên vấn đề được đặt ra, cần có những quy định và chuẩn mực đạo đức nào để đảm bảo rằng công nghệ được sử dụng một cách có trách nhiệm”. |
Trên cơ sở đó, doanh nghiệp cần có cách tiếp cận phù hợp, đề ra những trọng tâm cần giải quyết và một chiến lược triển khai hiệu lực, hiệu quả. Cũng giới như mọi quá trình đổi mới và phát triển, chuyển đổi số doanh nghiệp không thể có “đồ may sẵn” mà qua nghiên cứu, tìm hiểu thì chúng ta có thể chỉ ra được công thức chung như tôi đã đề cập.
Về phía người dân để có thể thích nghi và phát triển cùng với thời đại công nghệ số thì rất cần thiết phải trang bị những kỹ năng cơ bản gồm ba khối về năng lực (hai nhóm năng lực nhận thức và thể chất), kỹ năng cơ bản (hai nhóm kỹ năng về chuyên môn và xử lý công việc) và kỹ năng đa nhiệm (năm nhóm kỹ năng về xã hội, hệ thống, kỹ thuật, giải quyết vấn đề phức tạp và quản lý nguồn lực)…
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển công cụ sản xuất trong nền kinh tế số tạo ra biến đổi sâu sắc của lực lượng sản xuất, dẫn đến những mâu thuẫn mới với quan hệ sản xuất hiện hữu; vừa tạo tiền đề, động lực hình thành phương thức sản xuất mới trong tương lai, vừa đòi hỏi thay đổi căn bản cách thức tổ chức sản xuất và quản lý xã hội.
Lực lượng sản xuất mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ; song chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong khi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao, vẫn là thách thức lớn. Quan hệ sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Mỗi người dân, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực thích ứng, tự bảo vệ và là người tiếp cận, sử dụng và ứng dụng thông thái những thành tựu của công nghệ số. (Nguồn: VGP) |
Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế – xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng.
Đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số. Sự thay đổi trong quan hệ sản xuất sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội.
Cuộc cách mạng số cũng đặt ra những vấn đề về đạo đức. Cho nên vấn đề được đặt ra, cần có những quy định và chuẩn mực đạo đức nào để đảm bảo rằng công nghệ được sử dụng một cách có trách nhiệm.
Đặc biệt, cuộc cách mạng số phải đặt mục tiêu vì sự phát triển của con người lên trên hết, tất cả những thành tựu mà một quốc gia, cộng đồng đạt được nếu không dựa trên những tiêu chí về sự phát triển bền vững, vì con người thì đều không có giá trị, không nhân văn.
Người ta có thể dựa mặt trái của công nghệ, của thời đại số để kinh doanh, để trục lợi vì tính hai mặt của thời đại cách mạng 4.0 luôn hiện hữu, thường trực. Do đó, phải có những bộ quy tắc ứng xử, những tiêu chí và cao hơn là các bộ luật về lĩnh vực này. Chỉ có sự quản lý, chế tài cứng rắng mới có thể đảm bảo được sự trong lành, trong sạch của môi trường không gian số.
Vì thế, vai trò định hướng, điều chỉnh của các cơ quan quản lý về chuyển đổi số là thường trực trong giai đoạn quá độ của thời kỳ chuyển đổi số hiện nay. Đặc biệt, mỗi người dân, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực thích ứng, tự bảo vệ và là người tiếp cận, sử dụng và ứng dụng thông thái những thành tựu của công nghệ số. Truyền thông một cách mạnh mẽ những kỹ năng và các tình huống mang tính giáo dục cao để con trẻ, người lớn tuổi có những nhận thức và thực hiện được những hành vi đúng đắn, chuẩn mực của quá trình hòa vào đời sống số, kinh tế số của xã hội và đất nước.
Chuyển đổi số diễn ra trong hầu hết các loại hình doanh nghiệp. (Nguồn: ĐĐK) |
Chuyển đổi số – chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh
Có thể nói, chuyển đổi số là một xu hướng không thể tránh khỏi trong thời đại công nghệ 4.0. Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong việc chuyển mình sang nền kinh tế số. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập đến những vấn đề then chốt trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn trong từng ngành nghề, từng lĩnh vực. Qua đó, chúng ta có thể rút ra được những kinh nghiệm sâu sắc về tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng công nghệ, mà là một yếu tố chiến lược giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và cải thiện chất lượng đời sống người dân. Chuyển đổi số không chỉ là một nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, mà là của toàn bộ xã hội, từ doanh nghiệp đến người dân. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi trong tư duy và hành động, từ lãnh đạo đến các cấp độ tổ chức và cá nhân.
Một trong những vấn đề quan trọng là việc cần phải cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia để đảm bảo nền tảng vững chắc cho tiến trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, điều này không chỉ là việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mà còn là sự đổi mới trong tư duy về công nghệ. Việt Nam cần tập trung vào việc phát triển các công nghệ then chốt như Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và blockchain, đồng thời bảo đảm an ninh mạng và quyền riêng tư của người dân.
Chuyển đổi số không chỉ là công cụ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn là giải pháp để cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giúp giảm thiểu tham nhũng, lãng phí và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Một hệ thống công chức điện tử có thể giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý công việc, đồng thời tạo ra môi trường làm việc minh bạch và trách nhiệm hơn.
Đặc biệt, chuyển đổi số phải thực sự phục vụ lợi ích của người dân. Có nghĩa, các dịch vụ công phải được thiết kế sao cho dễ tiếp cận và tiện lợi, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số phải đi kèm với việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng số cho người dân, nhất là những người thuộc nhóm yếu thế, để họ có thể tham gia vào nền kinh tế số một cách bình đẳng.
Hơn thế, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo không ngừng. Các doanh nghiệp và tổ chức cần nhanh chóng thích ứng với những thay đổi không ngừng của công nghệ, đồng thời sáng tạo ra các mô hình kinh doanh và phương thức làm việc mới để tận dụng tối đa các cơ hội mà chuyển đổi số mang lại.
Tiến trình chuyển đổi số mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập là một sự thay đổi toàn diện và đột phá trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ quản lý nhà nước, giáo dục, y tế đến sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để quá trình này thành công, Việt Nam cần tập trung vào việc phát triển hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, và không ngừng cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia vào nền kinh tế số. Chuyển đổi số không chỉ là mục tiêu, mà còn là một hành trình đòi hỏi sự đoàn kết và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.