Năm 2024, Chương trình Trao đổi Học giả đã hỗ trợ 21 học giả từ 3 đại học lớn ở Việt Nam nghiên cứu, tham gia học thuật tại Mỹ, hướng tới mở rộng mạng lưới kết nối với các chuyên gia quốc tế.
Cơ hội với các học giả nữ
Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ đã tổ chức Chương trình Trao đổi Học giả,góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ các hoạt động tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia TPHồ Chí Minh, giúp các học giả trẻ tuổi phát triển kỹ năng nghiên cứu, xây dựng mạng lưới nghiên cứu với các học giả Hoa Kỳ và tiếp cận các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, học giả hàng đầu về kiến thức cùng lĩnh vực.
Nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của các giảng viên trẻ tập trung vào 7 lĩnh vực học thuật được đại diện bởi mạng lưới Học thuật Việt Nam – Quốc tế (Vietnam – International Academic Network – VIAN): Kinh tế, Kinh doanh vàChính sách công, Công nghệ Thông tin, Khoa học Sức khỏe, Khí hậu vàMôi trường, Giáo dục, Vật liệu tiên tiến, Nhân học vàNghiên cứu Văn hóa.
Nhiều học giả tham gia các hoạt động học thuật tại Mỹ là học giả nữ. Lý giải về điều này, TS. Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Giám đốc Dự án cho biết: “Việc tăng cường sự hiện diện của phụ nữ thúc đẩy sự đa dạng trong các lĩnh vực nghiên cứu, đặc biệt là những lĩnh vực ít sự hiện diện của phụ nữ như công nghệ hay vật liệu tiên tiến. Các học giả nữ trẻ tuổi có những quan điểm mới mẻ và sáng tạo, sẽ có nhiều đóng góp vào nghiên cứu và giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam”.
Sau 3 tháng làm việc và nghiên cứu tại Đại học Bang San Diego, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Tham gia Chương trình Trao đổi Học giả không chỉ giúp tôi phát triển hơn nữa năng lực nghiên cứu, tiến tới hoàn thành luận án Tiến sĩ, mà còn tạo thêm động lực để mở rộng, tìm kiếm các hướng nghiên cứu mới trong tương lai, đánh dấu cột mốc quan trọng trên con đường học thuật”.
Còn TS. Bùi Thị Thanh Diệu, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng chia sẻ:“Khi có cơ hội trải nghiệm môi trường học thuật hàng đầu thế giới, tôi càng cần phải nỗ lực hơn để góp phần phát triển nhà trường cũng như trong lĩnh vực chuyên môn”.
Nâng cao chất lượng nghiên cứu
Là Chủ nhiệm của Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học, GS. TS. Trần Ngọc Anh cho biết, các học giả trong chương trình này không đơn thuần chỉ là các chủ thể tiếp thu kiến thức, màlà những sứ giả văn hoá, những cầu nối tri thức, lưu giữ tinh thần sáng tạo và nguồn lực để trở về áp dụng, giải quyết những “điểm nghẽn” hiện nay trong nghiên cứu; mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các trường đại học của hai quốc gia trong tương lai.
TS. Phạm Hoàng Uyên, Trưởng khoa Toán kinh tế, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nghiên cứu về đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp thông qua các kỹ thuật phân tích dữ liệu thống kê và trí tuệ nhân tạo tại Đại học Bang New Mexico (Mỹ)khẳng định: Chương trình mang đếnnhiều cơ hội nghiên cứu, giảng dạy với các giáo sư hàng đầu. Đơn cử, nội dung kết hợp 2 lĩnh vực công nghệ và kinh tế, đưa ra giải pháp khai thác dữ liệu từ kiến thức chuyên gia và kết quả dự kiến là bản thảo đăng trên tạp chí Scopus… Ngoài ra, học giả cũng có cơ hội tham dự các buổi giảng dạy của các giáo sư và các buổi sinh hoạt Khoa để nắm rõ cơ chế vận hành lớp học, các phương pháp quản trị tại Đại học Bang New Mexico…
Chia sẻ về thực tế nghiên cứu trong nước, TS. Đỗ Thị Thu Hiền, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc nghiên cứu trong nước còn tồn tại nhiều hạn chế và thách thức nhất định cho các nhà khoa học. Chẳng hạn, để phục vụ cho những nghiên cứu có ảnh hưởng sâu trong đời sống kinh tế, xã hội, các nghiên cứu đòi hỏi nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại. Điều này đang là thách thức cho Việt Nam trong bối cảnhchưa thể đầu tư nhiều cho nghiên cứu khoa học. Trong khiở các nước phát triển, việc đầu tư cho khoa học đã phát triển nhiều năm, nên các nghiên cứu đa chiều, liên ngành, có sức tác động lớn đến kỹ thuật, kinh tế, xã hội”.
Ở góc độ năng lực nghiên cứu, TS. Thu Hiền khẳng định, các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để nghiên cứu như các đồng nghiệp quốc tế. Nhưng năng lực và thời gian đang bị chia nhỏ do có nhiều công việc liên quan tới thủ tục hành chính, tài chính dẫn đến các nhà khoa học khó chuyên tâm. Vì vậy được tiếp xúc và học hỏi những cơ chế mở từ môi trường nghiên cứu quốc tế để áp dụng với môi trường tại Việt Nam là vô cùng quan trọng.
Khi được tạo cơ hội làm việc cùng các nhà khoa học quốc tế, các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ được bổ sung, hỗ trợ lên ý tưởng, phương pháp nghiên cứu, phương pháp giải quyết vấn đề trong nghiên cứu từ những chuyên gia hàng đầu. Đây là cách tiết kiệm thời gian, học hỏi được từ những ưu điểm, tiến bộ trong nghiên cứu gần nhất. TS. Thu Hiền dự định sẽ chia sẻ những kiến thức và kỹ năng với các học giả đồng nghiệp thông qua các buổi hội thảo và dự án hợp tác, từ đó truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu trẻ khác.
Những nữ học giả tham gia chương trình đều có mong muốn dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp hơn. Đây cũnglà những nhân tố quan trọng trong quá trình quốc tế hóa môi trường nghiên cứu khoa học trong nước và là mục tiêu mà Chương trình Trao đổi Học giả của Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ đặt ra.
Theo TTXVN
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/nang-cao-nang-luc-nghien-cuu-cua-nha-khoa-hoc-nu/20241019045811103