Sự kiện mang ý nghĩa gắn kết các dòng họ tại Xuân Trạch, kết nối cộng đồng doanh nhân họ Nguyễn Hà Nội với địa phương, đồng thời đóng góp thiết thực vào hoạt động của các CLB doanh nhân dòng họ.
Thôn Xuân Trạch, Xã Xuân Canh, huyện Đông Anh từ lâu đã nổi tiếng là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Đình và đền Xuân Trạch đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996. Lễ hội truyền thống làng Xuân Trạch diễn ra vào ngày 10/3 Âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ công đức Thành hoàng làng – Xạ Thần Quốc Cao Minh Sơn, con trai thứ năm của Hùng Vương thứ 17 (Hùng Nghị Vương) và Đức Mẫu – người làng Xuân Trạch. Đây là một trong tám lễ hội tiêu biểu của huyện Đông Anh. Gần 30 dòng họ sinh sống tại đây luôn gìn giữ và phát huy truyền thống xây dựng dòng họ, quê hương.
Ngược dòng lịch sử, Xuân Trạch tự hào là nơi từng được chọn làm an toàn khu của Trung ương Đảng trước Cách mạng Tháng Tám, đồng thời là địa chỉ hoạt động của nhiều đồng chí lãnh tụ, lãnh đạo cao cấp như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thụ, Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, Lê Đình Thiệp. Xuân Trạch cũng tự hào là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu thứ tư trên địa bàn huyện Đông Anh, trực thuộc an toàn khu của Trung ương vào tháng 9/1944.
Đây là quê hương của nhiều người con ưu tú như: Thiếu tướng QĐND Việt Nam Đào Huy Vũ – Tư lệnh đầu tiên Binh chủng Tăng thiết giáp; GS.TS Vật lý địa cầu Nguyễn Đình Xuyên; Tiến sĩ – Đại tá Bùi Tuấn Anh – Viện trưởng Viện Vũ khí, Bộ Quốc phòng, người được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; Tiến sĩ âm nhạc Bùi Công Thành… cùng nhiều cá nhân tiêu biểu khác.
CLB Doanh nhân họ Nguyễn Hà Nội quy tụ các doanh nhân trên địa bàn thành phố, hoạt động với tôn chỉ: xây dựng văn hóa doanh nhân dòng họ (hướng về cội nguồn, gia phả, tương thân tương ái, thiện nguyện vì cộng đồng); phát triển kinh tế thành viên.
Với tinh thần hướng về cội nguồn, CLB đã tổ chức chương trình giao lưu – kết nghĩa với các dòng họ tại Xuân Trạch nhân dịp lễ hội truyền thống, mang lại những giá trị thiết thực, tôn vinh nét đẹp văn hóa địa phương, quảng bá hình ảnh Xuân Trạch đổi mới; đồng thời mang đến sản phẩm nông sản, nhu yếu phẩm phục vụ bà con, chia sẻ sáng kiến phát triển kinh tế dòng họ và địa phương dựa trên tiềm năng từ hệ sinh thái CLB.
Chương trình còn thể hiện quyết tâm lớn từ Ban chấp hành lâm thời CLB, mà tiêu biểu là bà Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Ban tổ chức, trong việc kết nối thành viên trở về quê hương những người có đóng góp tích cực cho CLB.
Sự kiện đã diễn ra thành công với sự tham dự của các lãnh đạo chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể địa phương như Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, đại diện các dòng họ Xuân Trạch và hơn 30 doanh nhân CLB họ Nguyễn Hà Nội.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Viết Chuẩn đại diện dòng họ Nguyễn Đắc – Viết Xuân Trạch, ông Bùi Bằng Vượng – Trưởng hội đồng gia tộc Bùi Văn – Xuân Trạch đã có những chia sẻ về công tác xây dựng gia phả dòng họ, các lợi ích và khó khăn, đồng thời bày tỏ mong muốn ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số gia phả, những trăn trở và những sáng kiến để phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho con em trong thôn.
Ông Nguyễn Đắc Minh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực CLB, cũng là người con quê hương Xuân Trạch, đã trình bày báo cáo về chương trình chuyển đổi số làng Xuân Trạch. Ông chia sẻ khát vọng đưa Xuân Trạch trở thành làng tiên phong trong chuyển đổi số toàn diện, đi đầu cả nước. Theo ông, đây chính là đóng góp cụ thể thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cũng là một mục tiêu đột phá của Đảng bộ, hội đồng các dòng họ và nhân dân Xuân Trạch.
Sáng kiến Hưng Gia – Chuyển đổi số gia phả, hiện đại hoá sinh hoạt dòng họ, cộng đồng làng là một sản phẩm công nghệ tiên tiến, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, do người Xuân Trạch làm chủ, các kỹ sư Đại học Bách khoa phát triển và đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Sáng kiến đang nhận được sự hợp tác toàn diện của các đơn vị chuyên môn như Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn hóa các dòng họ Việt Nam và Viện Lịch sử dòng họ. Dự án không chỉ mở ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương, mà còn mang lại lợi ích kinh tế – văn hóa bền vững, và có thể lan tỏa ra các làng kết nghĩa trên khắp cả nước.
Nhân dịp này, ông Hải cũng đề xuất các dòng họ tại Xuân Trạch thống nhất thành lập Ban liên lạc các dòng họ thôn Xuân Trạch, có sự tư vấn của Giám Đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu văn hoá các dòng họ Việt Nam, để đóng vai trò ngày càng tích cực hơn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dòng họ tại quê hương. CLB Doanh nhân họ Nguyễn Hà Nội sẽ là đối tác đồng hành cùng địa phương trong hành trình này.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/xa-hoi-so/chuyen-doi-so-gan-ket-cong-dong-lan-toa-gia-tri-van-hoa-dong-ho/20250411112218270
Bình luận (0)