Máy kích giun có dòng điện 4.000-5.000V, nối với hai que sắt cắm xuống đất, chỉ sau một phút các loại giun lớn nhỏ chui lên khỏi mặt đất và bị bắt.
Gần đây nhiều xã của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình thường xuyên xuất hiện nhóm người đi kích điện giun đất. Họ sử dụng máy kích, gồm hai que nhọn được nối với bộ ắc quy điện 4.000-5.000V, mua với giá 1,6-2,5 triệu đồng. Máy có thể sử dụng ắc quy hoặc pin.
Nhóm người này thường chọn vườn cam, nơi đất tơi xốp, có dấu hiệu đất đùn lên để kích giun. Khi cắm que sắt nối với máy kích xuống đất, chỉ một phút sau giun đủ kích cỡ trong khoảng một mét vuông sẽ chui lên. Trung bình một người có thể bắt được khoảng 10 kg giun mỗi ngày.
Một người chuyên gom giun đất cho biết mỗi kg giun sống thu mua 30.000 đồng. Giun được mổ sạch, cho lên giàn sấy khô. “Khoảng 13 kg giun tươi sẽ cho 1kg giun khô, bán chừng 600.000 đồng”, người này nói, cho biết giun khô sẽ bán cho các thương lái Trung Quốc, nhưng “không rõ để làm gì”.
Lo sợ nạn săn giun tràn đến vườn cam nhà mình, chị Vũ Thị Hạnh, trú xã Thu Phong, treo trên hàng rào tấm biển “cấm kích giun”. “Treo biển là một chuyện, còn gia đình vẫn phải cắt cử người trông coi, xua đuổi. Có nhóm đi ôtô mang theo dụng cụ kích giun, hoạt động chủ yếu ban đêm và sáng sớm”, chị Hạnh nói.
Cao Phong là vùng trồng cam nổi tiếng của Hòa Bình. Việc kích điện giun khiến đất không tơi xốp, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây cam. Nhiều cây vàng lá do hỏng rễ, không thể phục hồi xanh tốt như ban đầu, chị Hạnh cho hay.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vật thực vật tỉnh Hòa Bình, nạn kích giun bằng điện xuất hiện từ năm 2019, sau đó lắng xuống. Nửa tháng gần đây, tình trạng này rộ lên và chủ yếu ở vùng cam Cao Phong. Đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan xử lý. Từ đầu năm tới nay, huyện Cao Phong đã bắt 9 vụ kích giun, thu giữ nhiều thiết bị.
Không chỉ Hòa Bình, nạn kích giun đất xảy ra ở nhiều tỉnh thành phía Bắc như Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang… Tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nơi có gần 30.000 ha cây ăn quả các loại, một số cá nhân sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun đất trên đồng ruộng và vườn cây ăn quả làm ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Hôm 24/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã đề nghị các sở, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc đánh bắt giun đất bằng kích điện, hóa chất trên địa bàn; đồng thời kiểm tra, báo cáo tình tình đánh bắt, thu mua, sơ chế giun.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đã có công văn gửi một số địa phương yêu cầu rà soát, báo cáo tình trạng kích giun đất. Giun có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, giúp đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng tốt cho cây.
Hành vi kích giun hủy hoại đất, nhưng hiện chưa có chế tài xử phạt. Nghị định 91/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã xác định những hành vi hủy hoại đất, nhưng kích giun bằng điện chưa được quy định rõ.
Hiện để hạn chế vấn nạn, các địa phương chủ yếu tăng cường kiểm tra, tuyên truyền và vận động người dân từ bỏ công việc nguy hại này. Một số nơi khuyến khích người dân nuôi thử nghiệm giun đất.
Việt An