Với điểm GPA năm cuối đạt tuyệt đối, có 6 bài báo khoa học, Dương Công Sơn ẵm giải thưởng 150 triệu đồng dành cho sinh viên xuất sắc nhất Đại học Xây dựng Hà Nội.
Đúng dịp Giáng sinh, Dương Công Sơn, 22 tuổi, sinh viên ngành Khoa học máy tính, Đại học Xây dựng Hà Nội, được trao giải CSC Award năm 2023. Đây là giải thưởng thường niên do đại học này và Quỹ Hỗ trợ Sinh viên tài năng ngành Xây dựng (FSC) tổ chức, nhằm vinh danh sinh viên xuất sắc nhất mỗi năm học. Phần thưởng 150 triệu đồng cũng là mức cao nhất với giải thưởng sinh viên xuất sắc của các đại học ở phía bắc.
Sơn giành giải với điểm trung bình (GPA) năm học 2022-2023 đạt 4/4, là tác giả chính và đồng tác giả của 6 bài báo, trong đó 5 bài đã được xuất bản trên các tạp chí và hội thảo chuyên ngành, cùng nhiều giải thưởng lớn nhỏ về nghiên cứu khoa học.
“Mình đã được đề cử từ năm ngoái nhưng năm nay mới đạt được. Đây là dấu ấn, minh chứng cho những nỗ lực trong suốt 4 năm học tập”, chàng trai Bắc Ninh nói.
Theo quy chế, hàng năm, 11 khoa, viện của trường Đại học Xây dựng Hà Nội sẽ đề cử sinh viên giỏi nhất, toàn diện về cả học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội để xét giải. Hội đồng giải thưởng còn xem xét khả năng thích ứng với môi trường làm việc thực tế của ứng viên, thông qua hồ sơ và phỏng vấn, trước khi bỏ phiếu kín.
“Thành tích toàn diện như Sơn là rất hiếm”, đại diện trường Đại học Xây dựng Hà Nội nói, đánh giá sinh viên đạt giải thưởng CSC Award là “xuất sắc của xuất sắc”.
Dương Công Sơn là cựu học sinh trường THPT Yên Phong số 1, tỉnh Bắc Ninh. Ngày đó, Sơn thích chơi game, thường lên Youtube học cách tạo ra những trò chơi đơn giản. Khi làm ra được những game tương tự như Flappy Bird hay cờ caro, Sơn quyết định sẽ theo đuổi lĩnh vực Công nghệ thông tin. Cuối cùng, nam sinh trúng tuyển ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Ngay từ khi vào giảng đường, Sơn đã tham gia câu lạc bộ học thuật và tham dự cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học vì thích làm sản phẩm.
Tự mày mò học lập trình trên mạng, Sơn lập website của khoa, mang sản phẩm này đi thi và giành giải nhì cấp trường. Dù vậy, vì lơ là việc học ở lớp, Sơn khá căng thẳng khi bước vào giai đoạn thi cử.
“Có những môn nặng như Giải tích, mình phải thức xuyên đêm đến sáng để ôn rồi đi thi luôn”, Sơn nhớ lại. Việc này khiến kết quả học tập năm đầu của nam sinh chưa đạt loại xuất sắc như mong muốn.
Sang năm thứ hai, Sơn chọn đi thực tập ở một doanh nghiệp để vừa học từ sách vở, vừa học từ thực tế. Tuy nhiên, công việc lặp lại, quanh quẩn với việc tạo ra các website, ứng dụng đơn giản, cộng với việc phải làm và học tại nhà do Covid-19 khiến Sơn chán nản. Chàng trai nhận ra mình phù hợp với định hướng nghiên cứu hơn.
Nam sinh sau đó dành 6 tháng đầu năm thứ ba để tập trung nâng cao tiếng Anh chuyên ngành, bắt đầu tiếp cận với những khâu phức tạp trong nghiên cứu. Sơn cũng được tham gia nhóm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo với thầy trưởng bộ môn cùng một số giảng viên trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Sơn nghiên cứu khoa học cùng bạn bè ở trường và đạt nhiều giải thưởng. Gần nhất, hồi tháng 11, nhóm của Sơn giành giải nhất Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên toàn quốc với đề tài “Nghiên cứu và xây dựng ứng dụng định tuyến trong mạng SDN phân tán và không đồng nhất”.
Ngay sau đó, Sơn bảo vệ đồ án và tốt nghiệp đợt tháng 11 với điểm GPA toàn khóa 3,8/4, sớm một học kỳ so với thời gian đào tạo chuẩn.
Từ đầu năm tới, Sơn theo học thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Hà Nội với khoản tài trợ 120 triệu đồng mỗi năm từ Quỹ VinIF.
“Kế hoạch của mình là học thạc sĩ trong nước và tiến sĩ ở Pháp hoặc Mỹ – nơi có các thầy cùng trong nhóm nghiên cứu”, Sơn chia sẻ.
Chàng trai Bắc Ninh cho biết sẽ tiếp tục đặt các mục tiêu cụ thể rồi chia nhỏ giai đoạn để thực hiện. Như khi học đại học, Sơn thường lên kế hoạch các việc cần làm theo ngày, tuần, tháng, linh hoạt ưu tiên nhiệm vụ theo từng thời điểm và đánh giá hiệu quả sau khi hoàn thành. Cách làm này giúp Sơn cân bằng được việc học, nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội.
Về lâu dài, nam sinh muốn đi làm thực tế tại các doanh nghiệp trước khi quay về xin làm giảng viên tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
“Mình muốn tích lũy đủ kinh nghiệm từ nghiên cứu đến thực tế, để khi trở thành giảng viên, mình có thể là cầu nối giúp sinh viên đến với doanh nghiệp hay công việc nghiên cứu, giống như những gì thầy cô đã hỗ trợ mình”, Sơn nói.