Muốn đa tài như vai chính anime
Lên kế hoạch du học từ một năm trước, Võ Quang Trí, lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), gây ấn tượng khi cùng lúc trúng tuyển 7 ĐH Mỹ hồi tháng 4.2023, gồm: ĐH Case Western Reserve, ĐH Purdue, ĐH Connecticut, ĐH Arizona State, ĐH Michigan State, ĐH Illinois tại Chicago và ĐH Drexel.
Trong đó, một số trường quyết định trao học bổng cho nam sinh, dao động từ 60.000-160.000 USD (1,4-3,8 tỉ đồng) cho 4 năm, tổng giá trị 13,3 tỉ đồng. “Thành tích này chỉ là hạt cát nhỏ, may mắn nhất là em đã đậu vào ngành, trường mong muốn”, Trí bộc bạch, đồng thời cho hay đã chọn theo đuổi ngành công nghệ thông tin (data science) của ĐH Purdue dù trường không cấp học bổng cho sinh viên quốc tế.
Sẵn sàng thử sức ở những lĩnh vực mới và duy trì đam mê trong thời gian dài từ học thuật, nghệ thuật đến thể thao, Trí tự nhận mình là người khá “thập cẩm” khi biết tranh biện, thiết kế, vẽ tranh, chơi piano, đánh cầu lông… “Em là ‘fan cứng’ của anime (phim hoạt hình Nhật Bản) từ nhỏ nên luôn theo đuổi hình tượng của những vai chính đa tài, luôn nỗ lực trở nên tài giỏi hơn thay vì chùn bước trước khó khăn, thử thách”, nam sinh bộc bạch.
“Thử cái mới đi” cũng là phương châm sống Trí áp dụng với bản thân và muốn lan tỏa thêm đến các bạn đồng trang lứa. Nam sinh TP.HCM nói phải mạnh dạn “phá vỏ” mới có cơ hội tìm thấy những “mảnh ghép” phù hợp với mình, từ đó xây dựng nên một bộ hồ sơ du học ấn tượng. “Em luôn cố gắng hạn chế việc lãng phí thời gian như ngồi không lướt Facebook để có thể thường xuyên làm những công việc nhỏ để ‘nuôi’ tư duy”, Trí nói thêm.
“Nâng cấp” bản thân nhờ piano
Trong số những đam mê cá nhân, Trí nhìn nhận việc đánh đàn piano là điều yêu thích nhất. Tiếp xúc với nhạc cụ này từ năm lớp 8 nhờ sự động viên từ bố mẹ sau đó bắt đầu tự học, nam sinh cho biết những phím đàn không chỉ cho mình cơ hội sáng tạo nghệ thuật qua những bài hát tự sáng tác hay trình diễn ở các sự kiện lớn nhỏ, mà còn là “công cụ” hữu ích hỗ trợ việc học tập.
“Tiếng đàn giúp em giải tỏa áp lực học tập, nhất là trong mùa thi cử. Quá trình đánh đàn cũng dạy em cách lắng nghe và bình tĩnh quan sát. Từ lắng nghe những thanh âm khác như giọng ca, trống, bass… để đánh sao cho hợp, đến sau này là lắng nghe tiếng nói riêng của mỗi người để thấu hiểu nhau hơn, thay vì ‘xả’ cảm xúc tiêu cực trong vô thức. Trong tương lai, em cũng mong được thỏa sức sáng ‘đánh’ code, tối đánh đàn”, nam sinh bày tỏ.
Bài học từ chiếc đàn piano được Trí đưa vào bài luận nộp cho các trường, thể hiện qua hành trình của chính em từ một “vô danh tiểu tốt” trở thành trưởng ban văn nghệ trong chương trình tri ân trưởng thành tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Song song đó, Trí còn trình bày kỳ vọng mang đến nhiều “đất diễn” cho piano, biến nhạc cụ này thành nhân vật chính trên sân khấu chứ không chỉ đóng vai trò “làm nền” như thường thấy.
“Bài luận thường quy định rõ dung lượng nên bạn cũng cần phải viết cô đọng, súc tích nhất có thể, tránh lan man nhưng không thể hiện được câu chuyện của chính mình. Một yếu tố khác cần chú trọng là tiêu chí của trường. Chẳng hạn, những trường mạnh học thuật sẽ không đánh giá cao hồ sơ thiên về hoạt động ngoại khóa như các trường mạnh thực hành”, chủ nhân hàng tỉ đồng học bổng lưu ý thêm.
Thầy Phan Lê Anh Nhật, giáo viên chủ nhiệm lớp 10, 12 và cũng là người viết thư giới thiệu cho Quang Trí, nhận xét nam sinh “mâm nào cũng có” ở các hoạt động của lớp, của trường. “Trí luôn tò mò, tìm tòi mọi thứ từ gốc rễ đến khi thực sự hiểu vấn đề, dù với những môn học hay trong sinh hoạt câu lạc bộ. Những dịp sinh nhật bạn bè, ngày lễ hay ngoại khóa, em cũng hay mang đàn organ đến để tổ chức văn nghệ góp vui”, thầy Nhật nhớ lại.
Chia sẻ về dự định tương lai, Trí nói sẽ dành thêm thời gian sáng tác bài hát, đồng thời tiếp tục “thả” mình vào những hoạt động mới, như tham gia trình diễn trong các show ca nhạc. Nam sinh cũng đang chủ động học thêm về ngành công nghệ thông tin và ôn luyện chương trình AP để “làm chủ” một số kiến thức trước khi bước vào giảng đường ĐH.