LỰA CHỌN KÉM HẤP DẪN NHẤT
Trường ĐH Giao thông vận tải (GTVT) là trường có truyền thống lâu đời nhất của VN về đào tạo nhân lực trình độ ĐH phục vụ ngành đường sắt. Trường có 8 ngành đào tạo trình độ ĐH có các chuyên ngành phục vụ ngành đường sắt, trong đó ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông có số lượng chỉ tiêu lớn nhất, khoảng 620 - 670 chỉ tiêu/năm. Nhưng đến khi học chuyên ngành (khoảng từ năm 3), chỉ có trên dưới 10 sinh viên (SV) chọn ngành đường sắt.
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải thực tập về đường sắt đô thị tại một tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội
PGS Ngô Văn Minh (Phó trưởng phòng Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, Trường ĐH Giao thông vận tải)
Theo PGS Ngô Văn Minh, Phó trưởng phòng Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, Trường ĐH GTVT, với SV nói chung, chuyên ngành đường sắt kém hấp dẫn đến mấy bậc. "So với khối ngành kinh doanh, quản lý, khối ngành kỹ thuật kém hấp dẫn hơn hẳn. So với khối ngành kỹ thuật, các ngành kỹ thuật xây dựng kém hấp dẫn hơn các ngành công nghệ thông tin, tự động hóa, viễn thông… Còn chuyên ngành đường sắt là lựa chọn kém hấp dẫn nhất trong các ngành kỹ thuật xây dựng", PGS Minh nói.
TS Ngô Quốc Trinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghệ GTVT, cũng cho biết các ngành học phục vụ công nghiệp đường sắt vốn tạo nên thương hiệu cho nhà trường từ khi còn là trường đào tạo hệ cao đẳng (cách đây gần 20 năm). "Những năm gần đây, SV chọn học ngành đường bộ đã ít đi rất nhiều so với trước, ngành đường sắt còn ít hơn nữa. Cách đây gần 20 năm, kể cả trung cấp, đường sắt cũng rất "hot", mỗi khóa trường tôi phải mở đến vài lớp (50 SV/lớp) vận tải đường sắt. Nhưng mấy năm qua, tất cả các chuyên ngành đường sắt (từ hạ tầng, quản lý, khai thác vận hành đến duy tu bảo trì…) mỗi năm chỉ đào tạo được vài trăm SV ĐH chính quy văn bằng 1", TS Ngô Quốc Trinh cho biết.
Không chỉ số lượng SV ít mà điểm chuẩn vào các ngành kỹ thuật xây dựng, trong đó có chuyên ngành đường sắt, cũng chỉ ở mức trung bình khá. Năm 2024, điểm chuẩn ngành này của Trường ĐH GTVT là 21,15 điểm/3 môn; còn điểm chuẩn ngành xây dựng cầu đường sắt của Trường ĐH Công nghệ GTVT chỉ 16.
NGHỊCH LÝ "PHÁT TRIỂN NÓNG"
Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH GTVT, tuyển sinh chuyên ngành đường sắt mấy năm nay ở Trường ĐH GTVT nói riêng và các trường ĐH đào tạo ngành này nói chung có xu hướng "tăng trưởng nóng".
"Gần đây, Chính phủ lập các dự án quốc gia về phát triển đường sắt. Vì vậy, tất cả các công ty có làm về công trình giao thông đều muốn quay về Trường ĐH GTVT để đặt hàng đào tạo cho các kỹ sư của họ. Học viên là những người đã có văn bằng kỹ sư về cầu, đường, giao thông công chính…, giờ cần được đào tạo chuyên sâu về đường sắt. Gần như tháng nào chúng tôi cũng phải mở lớp, có tháng mở 2 lớp, thành thử giảng viên có chuyên môn sâu về đường sắt phải căng mình đáp ứng nhu cầu đào tạo của thị trường lao động", PGS Nguyễn Thị Hòa cho biết.
Theo TS Ngô Quốc Trinh, nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ, đào tạo lại của các doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Trường ĐH Công nghệ GTVT đang đào tạo chuyên ngành kỹ thuật xây dựng cầu - đường sắt, tổ chức và quản lý vận tải sắt trình độ thạc sĩ cho hơn 50 học viên, đa phần là cán bộ của Tổng công ty Đường sắt VN. Ngoài ra, hằng năm, nhà trường tổ chức đào tạo vài trăm chỉ tiêu văn bằng 2 chuyên ngành xây dựng cầu - đường sắt, quản lý và điều hành vận tải đường sắt cho cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt.
PGS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT, chia sẻ: "Dù nhu cầu nguồn nhân lực và làm chủ công nghệ lõi trong lĩnh vực đường sắt hiện đại hiện nay là rất lớn, nhưng so với các ngành kỹ thuật, kinh tế khác, sức hút của ngành này với xã hội vẫn còn hạn chế. Phần lớn SV theo học ngành đường sắt lựa chọn các chương trình đào tạo bằng hai, tại chức hoặc đào tạo ngắn hạn".
Đường sắt là ngành học kém hấp dẫn, không được quan tâm đầu tư nên nhân lực chất lượng cao đang rất thiếu
NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN NGHỊCH LÝ
Hoạt động đào tạo nhân lực đường sắt ở VN được thực hiện ở 2 cấp độ chính. Đào tạo công nhân kỹ thuật (lái tàu, bảo dưỡng - sửa chữa phương tiện, hạ tầng cầu, đường, thông tin - tín hiệu) chủ yếu do Trường CĐ Đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt VN đảm nhiệm. Còn đào tạo từ bậc ĐH trở lên có 3 cơ sở chính tham gia: Trường ĐH GTVT (trụ sở chính ở Hà Nội và có cơ sở ở TP.HCM), Trường ĐH GTVT TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ GTVT (trụ sở chính ở Hà Nội, có cơ sở ở Vĩnh Phúc và Thái Nguyên). Ngoài ra, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Thủy lợi cũng đang nghiên cứu mở một số chuyên ngành về đường sắt.
Tuy nhiên, đây là ngành học kém hấp dẫn, không được quan tâm đầu tư, nên nhân lực chất lượng cao đang rất thiếu. Ngay tại Trường ĐH GTVT, trong số 90 tiến sĩ về kỹ thuật xây dựng công trình giao thông của trường chỉ có 5 tiến sĩ chuyên ngành đường sắt. Nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực kỹ thuật, quản lý vận hành, an toàn đường sắt chưa có đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị.
Theo PGS Ngô Văn Minh, thực tế trên là điều đáng tiếc với nhiều người học, bởi theo đánh giá của giới chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng thì ngành đường sắt lẽ ra phải là lựa chọn tốt nhất, vì phát triển giao thông đường sắt nằm trong lộ trình phát triển tất yếu của phát triển hạ tầng GTVT của các nước.
"Gần đây Quốc hội đã thông qua các dự án đường sắt lớn, như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Người có chuyên môn thì hiểu đường sắt là lựa chọn tốt nhất, tiếc là hiểu biết này chưa lan tỏa được tới học sinh, người dân", PGS Ngô Văn Minh phân tích.
Nhu cầu nguồn nhân lực ngành đường sắt rất lớn trong 10 năm tới
Theo hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cũng như trong các báo cáo do Tổng công ty Đường sắt VN, Viện Chiến lược và phát triển GTVT thực hiện, đều cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực ngành đường sắt trong 10 năm tới là rất lớn.
Trong đó, nhân lực xây dựng, vận hành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được tính toán căn cứ trên phương án và tiến độ triển khai đầu tư xây dựng, khai thác gồm nhu cầu nhân lực quản lý dự án giai đoạn 2025 - 2027, sẽ cần khoảng 300 - 500 nhân lực. Cao điểm giai đoạn 2028 - 2032 khi triển khai đồng thời cả 3 đoạn tuyến của dự án với số lượng khoảng 700 - 900 nhân sự và giai đoạn 2032 - 2035 sẽ giảm về 300 - 500 nhân lực. Nhu cầu nhân lực tư vấn khảo sát, thiết kế và giám sát thi công được huy động theo tiến độ dự án và cao điểm nhất vào năm 2026 - 2028, giai đoạn triển khai thiết kế tổng thể kỹ thuật, với số lượng khoảng 1.100 - 1.300 nhân sự.
Nhân lực xây dựng là nhóm có nhu cầu lớn nhất trong suốt quá trình triển khai đầu tư xây dựng, khai thác vận hành dự án với lúc cao điểm lên đến 180.000 - 240.000 nhân sự. Khoảng 90 - 95% nhân lực xây dựng là công nhân kỹ thuật và phần lớn thuộc các nhóm nghề phổ thông, được đào tạo rộng rãi như xây dựng, nề, bê tông, điện... Số lượng công nhân kỹ thuật yêu cầu chuyên môn chuyên ngành đường sắt và đường sắt tốc độ cao chỉ khoảng 3 - 5% như hàn, kết cấu thép... Thời kỳ cao điểm cần huy động tới 15.000 - 20.000 kỹ sư (chủ yếu là kỹ sư xây dựng, làm việc trên các công trường dự án, trong đó khoảng 20 - 30% kỹ sư chuyên ngành đường sắt và đường sắt tốc độ cao).
Nhu cầu nhân lực vận hành, khai thác phụ thuộc rất lớn vào quy trình, công nghệ và công suất khai thác. Đến năm 2035, cần hoàn thành đào tạo gần 14.000 nhân sự vận hành, khai thác toàn tuyến.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nghich-ly-dao-tao-nhan-luc-nganh-duong-sat-185250220223736722.htm
Bình luận (0)