Học về Tài chính nhưng Trọng Nghĩa học thêm bốn môn về Toán ở khoa khác để ứng tuyển, rồi giành học bổng toàn phần khóa thạc sĩ Kinh tế của Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Suất học bổng của Phùng Trọng Nghĩa, sinh viên VinUniversity, trị giá 67.000 SGD (hơn 1,2 tỷ đồng), gồm học phí và chi phí sinh hoạt cho một năm tại NUS. Ngôi trường này hiện ở vị trí thứ 8 thế giới, theo xếp hạng đại học QS 2024.
Ngoài ra, chàng sinh viên năm thứ tư chuyên ngành Tài chính, Viện Kinh doanh Quản trị, còn trúng tuyển 5 trường khác ở châu Âu, trong đó hai trường cấp học bổng toàn phần.
“Mình chọn NUS vì nhiều thầy cô từng học tại đây. Trường cũng có chương trình Kinh tế chất lượng hàng đầu châu Á”, Nghĩa chia sẻ.
Ngày vào đại học, Nghĩa thích ngành Tài chính và dự định làm việc trong lĩnh vực này. Năm thứ hai, nam sinh ứng tuyển và được nhận làm trợ lý nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Mai Lan. Nhiệm vụ của Nghĩa là hỗ trợ lọc số, phân tích số liệu, viết báo cáo…
Vừa làm vừa học, Nghĩa dần hứng thú với việc nghiên cứu. Nam sinh quyết định chuyển hướng, theo đuổi nghiên cứu học thuật, học lên tiến sĩ. Để đạt mục tiêu này, Nghĩa nhận định phải có nền tảng về ngành Kinh tế. Cậu cũng muốn du học thạc sĩ để tiếp cận được những phương pháp nghiên cứu hay lý thuyết mới.
Theo Nghĩa, vấn đề lớn nhất là nếu muốn chuyển sang Kinh tế, bản thân phải bổ sung kiến thức về Toán. Trong khi đó, chương trình học hiện tại chỉ gồm hai môn Toán là giải tích và thống kê.
“Em cần tích lũy kiến thức để hội đồng tuyển sinh thấy mình đủ khả năng học”, Nghĩa nhìn nhận. Do đó, Nghĩa đăng ký học bốn môn về Toán gồm giải tích, đại số tuyến tính, phương trình vi phân và thống kê ở Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính trong trường. Đây là bốn môn tối thiểu để đáp ứng điều kiện đầu vào của các chuyên ngành Kinh tế.
Học ở hai nơi khác nhau nên những lúc bị trùng lịch, Nghĩa sẽ ưu tiên học môn nào khó hơn. Học thêm môn, khối lượng bài tập nhiều hơn nhưng bốn môn học dàn trải nên Nghĩa không thấy quá sức. Vì từng học chuyên Toán thời phổ thông ở trường chuyên Thăng Long – Đà Lạt, Nghĩa cũng bắt nhịp nhanh hơn. Cậu chủ yếu tự học ở nhà, chú ý nghe giảng, ghi chép và hoàn thành bài tập đúng hạn.
“Mình thích học. Có mục tiêu rồi nên mình cố gắng học tốt”, Nghĩa nói. Kết quả, nam sinh đạt điểm A ở cả bốn môn Toán, đồng thời đạt điểm trung bình học tập (GPA) 3.83/4.0.
Ngoài chuẩn bị kiến thức, Nghĩa cũng tự ôn tiếng Anh và các chứng chỉ chuẩn hóa. Nghĩa thi đạt TOEFL 112/120 điểm, GRE (bài kiểm tra đầu vào bậc sau đại học) đạt 333/340 điểm.
Tháng 10/2023, Nghĩa bắt tay chuẩn bị hồ sơ. Nghĩa cho hay khác với đại học, bài luận ở bậc thạc sĩ thường yêu cầu đi thẳng vào vấn đề, thay vì kể câu chuyện cá nhân. NUS đưa ra ba câu hỏi về lý do nộp đơn, mục tiêu, dự định và yêu cầu ứng viên viết trong 500 từ.
Trả lời, Nghĩa cho biết đây là chương trình đào tạo hàng đầu về kinh tế, đi sâu vào lý thuyết giúp bản thân chuẩn bị cho bậc tiến sĩ. Mục tiêu của Nghĩa là trở thành nhà nghiên cứu về tài chính quan tâm. Nam sinh hy vọng đóng góp cho cộng đồng nghiên cứu và giáo dục đại học ở Việt Nam, đồng thời thực hiện các nghiên cứu có ý nghĩa, gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách.
“Bài luận được hoàn thành trong một tháng”, Nghĩa nói.
Là người dìu dắt Nghĩa trong nghiên cứu, TS Mai Lan đánh giá cao học trò ở sự ham học hỏi, thái độ làm việc chỉn chu và không bao giờ lỡ hẹn.
“Nghĩa ít nói nhưng rất thông minh”, cô Mai Lan nhận xét.
Theo cô, Nghĩa định hướng được từ sớm và tự đặt ra lộ trình, nỗ lực làm tuần tự để đạt mục tiêu. Khi biết Nghĩa nộp hồ sơ cho nhiều trường, cô viết thư giới thiệu song lo về khả năng nhận học bổng, do học trò chưa tốt nghiệp đại học. Cô thường động viên tinh thần để Nghĩa không bị hụt hẫng nếu kết quả không như ý.
“Nghĩa là một sinh viên tuyệt vời. Bạn ấy xứng đáng với kết quả này”, TS Mai Lan nói.
Nghĩa đang làm khóa luận tốt nghiệp và chuẩn bị sang Singapore vào tháng 8 tới. Từ kinh nghiệm của mình, nam sinh cho rằng việc chuẩn bị tốt nền tảng học thuật, đặc biệt là Toán rất quan trọng để theo đuổi con đường nghiên cứu về Kinh tế và các ngành liên quan. Ngoài ra, cơ hội tham gia nghiên cứu với các giáo sư cũng quan trọng, giúp ứng viên có kinh nghiệm và kỹ năng.
“Em biết mục đích việc học của mình và khi thực sự đam mê sẽ không thấy mệt mỏi”, Nghĩa chia sẻ.
Bình Minh