Kết thúc quý III, Nam Long đạt doanh thu thuần gần 357 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, lãi gộp còn lại gần 150 tỷ đồng, chưa tới một nửa so với quý III/2022.
Theo giải trình gửi nhà đầu tư, Nam Long cho biết phần lớn doanh thu trong kỳ được đóng góp từ doanh thu bán nhà ở và căn hộ (chiếm 86% tổng doanh thu của quý). Trong đó, Mizuki là dự án trọng điểm bàn giao trong kỳ nhưng do thuộc công ty liên doanh nên không hợp nhất doanh thu mà chỉ ghi nhận phần lợi nhuận phân bổ.
Doanh thu tài chính chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính tăng 38%, chủ yếu là chi phí lãi vay ghi nhận hơn 66 tỷ đồng, tăng hơn 70%.
Các khoản chi phí ghi nhận thấp hơn, cùng chiều với sự suy giảm trong kinh doanh. Tuy nhiên, điều này không bù đắp được sự kém khả năng trong hoạt động. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty bất động sản này chỉ vỏn vẹn hơn 7 tỷ đồng, bằng 1/10 năm trước.
Toàn bộ lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất dựa vào phần chi phí thuế TNDN hoãn lại trong kỳ, ở mức gần 81 tỷ đồng.
Tương tự với kết quả 9 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh chính suy giảm, trong bối cảnh chi phí lãi vay tăng thêm gần 100 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính của Nam Long giảm nhẹ so với cùng kỳ. Phần lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ gần 194 tỷ đồng, tăng 63%, chủ yếu nhờ chi phí thuế TNDN hoãn lại.
Khác với kết quả tăng trưởng trên báo cáo hợp nhất, trên báo cáo riêng lẻ, con số lợi nhuận của công ty mẹ Nam Long giảm đột biến.
Trong quý III, công ty mẹ Nam Long chỉ ghi nhận doanh thu thuần hơn 71 tỷ đồng, chủ yếu từ doanh thu quản lý dự án. Con số này giảm mạnh so với mức doanh thu thuần hơn 600 tỷ trong quý III năm trước.
Lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn chưa tới 15 tỷ đồng, so với mức trên 200 tỷ cùng kỳ. Kết quả là công ty mẹ Nam Long lỗ ròng hơn 46 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ hơn 42 tỷ đồng trong quý III/2022.
Lũy kế 9 tháng, báo cáo riêng lẻ của Nam Long ghi nhận mức lãi ròng chỉ vỏn vẹn gần 8 tỷ đồng, so với mức gần 143 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Tính tới cuối quý III, tổng tài sản hợp nhất của Nam Long ghi nhận gần 27.700 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó giá trị tăng thêm chủ yếu nằm ở phần hàng tồn kho.
Tổng giá trị hàng tồn kho của Nam Long đến cuối quý III lên đến hơn 16.800 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, phần lớn là các dự án bất động sản dở dang. Trong đó, đứng đầu là giá trị xây dựng dở dang tại dự án Izumi, ghi nhận hơn 9.000 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm. Tồn kho ở dự án Waterpoint giai đoạn 1 là 3.556 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 1.527 tỷ đồng; dự án Hoàng Nam (Akari) hơn 1.047 tỷ đồng…
Tổng nợ phải trả đến cuối quý III là gần 14.560 tỷ đồng, tăng 790 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn là 2.325 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 3.336 tỷ đồng. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 5.660 tỷ đồng.
Các khoản vay của Nam Long phần lớn được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, quyền bảo lãi và một số là vay tín chấp. Các khoản vay trái phiếu lại chủ yếu thế chấp bằng cổ phần.
Chủ nợ lớn nhất của Nam Long về phía ngân hàng là Ngân hàng Phương Đông (OCB) với tổng dư nợ hơn 1.100 tỷ đồng. Được biết, OCB còn “ôm” 500 tỷ đồng trái phiếu của Nam Long.
Trong các khoản nợ trái phiếu đáng chú ý, trái chủ International Finance Corporation có dư nợ 1.000 tỷ đồng,được thế chấp bằng hơn 182,5 triệu cổ phần Nam Long VCD. Một số công ty bảo hiểm đang nắm giữ trái phiếu Nam Long như Manulife Việt Nam (510 tỷ đồng); Bảo hiểm AIA Việt Nam (120 tỷ đồng); Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam (30 tỷ đồng). Những trái phiếu này được bảo lãnh bằng hơn 56,1 triệu cổ phiếu Nam Long VCD.