Nhân dịp này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học triển khai các lớp cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chặng cuối của đổi mới
PV: Thưa Bộ trưởng, năm học học mới đã bắt đầu. Theo lộ trình, từ năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục thổ thông 2018 chính thức áp dụng cho toàn bộ khối lớp. Đây cũng sẽ là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Bộ GDĐT có chỉ đạo gì cho năm học quan trọng này?
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn: Năm học 2024-2025 với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, toàn ngành Giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra.
Chặng đường đổi mới giáo dục phổ thông vừa qua mặc dù có nhiều khó khăn, song cũng cho thấy quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn ngành Giáo dục để từng bước hình thành tư duy đổi mới trong chính những người thực hiện, thụ hưởng đổi mới và thuyết phục xã hội về kết quả tích cực của đổi mới.
Xác định đây năm học quan trọng, Bộ GDĐT đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Ví dụ, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ GDĐT đã bắt tay vào chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Dự kiến Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11/2024, tính ổn định lâu dài của quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện.
Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi khá rộng để đánh giá, do đó các sở GDĐT đã sẵn sàng phương án cho công tác này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức.
Chặng đường đổi mới giáo dục phổ thông vừa qua mặc dù có nhiều khó khăn, song cũng cho thấy quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn ngành Giáo dục để từng bước hình thành tư duy đổi mới trong chính những người thực hiện, thụ hưởng đổi mới và thuyết phục xã hội về kết quả tích cực của đổi mới.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn
Năm nay, kế hoạch thời gian năm học và các hướng dẫn năm học mới của từng cấp học đã được Bộ GDĐT ban hành từ rất sớm, trong đó đề cập cụ thể tới từng nhiệm vụ, công việc cần làm và phải làm; bao gồm 2 nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp cuối cùng của các cấp học, chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Tại các hội nghị, cuộc họp của toàn ngành, các nội dung công việc đều đã được lãnh đạo Bộ GDĐT, đại diện các sở GDĐT, cơ sở giáo dục trao đổi, thảo luận trên tinh thần chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt khó khăn và đề xuất, tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết. Cùng với chỉ đạo, hướng dẫn, các đơn vị chuyên môn, Bộ GDĐT cũng đã và đang sát sao nắm bắt, có kế hoạch hỗ trợ, đồng hành với địa phương trong triển khai từng nhiệm vụ, công việc quan trọng của năm học mới 2024-2025.
Tạo động lực để “giữ chân” nhà giáo
Bước sang năm thứ 5 thực hiện chương trình mới nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn tích hợp, môn học mới. Đây là một trong những thách thức “đến hẹn lại lên” với nhiều địa phương khi năm học mới bắt đầu. Bộ GDĐT có giải pháp nào để giải quyết bài toán này trong năm học 2024-2025, thưa Bộ trưởng?
– Cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Năm học 2023-2024, toàn ngành đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên, tuy nhiên số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng. Năm học 2023-2024 số lớp của cấp THCS tăng 7.198 lớp, tương đương số giáo viên tăng 13.676; số lớp cấp THPT tăng 1.213 lớp, tương đương số giáo viên tăng 2.729 so với năm học 2022-2023, dẫn đến số giáo viên còn thiếu vẫn còn nhiều và ở hầu hết các địa phương.
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, năm học 2024-2025 số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023-2024 tăng 19.856 giáo viên. Nguyên nhân chính do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng. Ví dụ, mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, giáo viên dạy tiếng dân tộc,…
“Năm học 2024-2025, cùng với cả nước, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo.
Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, toàn ngành Giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra”.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng… và trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.
Bộ GDĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72 của Trung ương; quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế – xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.
Thời gian qua, các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản… đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành sư phạm của học sinh. Nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, “giữ chân” giáo viên. Luật Nhà giáo đang được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn… Tất cả cho thấy đã có những chuyển động quan trọng để giải quyết được những khó khăn đặt ra đối với vấn đề đội ngũ.
Luật Nhà giáo được đội ngũ nhà giáo mong đợi suốt thời gian qua. Bộ trưởng hãy cho biết về tiến độ xây dựng dự án Luật Nhà giáo?
– Như chúng ta đã biết, nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Thực tế đã chứng minh, sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo. Như vậy, chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc vào một phần rất quan trọng là chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chất lượng của nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân, tinh thần học tập không ngừng nghỉ của mỗi nhà giáo, các chính sách, môi trường làm việc, các cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển nhà giáo như thế nào đóng vai trò quan trọng.
Xuất phát từ nhận thức đó, trong thời gian dài vừa qua, Bộ GDĐT tích cực chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho phép xây dựng một Luật điều chỉnh riêng về nhà giáo. Đến tháng 4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội khóa XV. Đây là tin vui, đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.
Được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, sau một thời gian tiến hành soạn thảo với nhiều công việc, quy trình phức tạp, nội dung mới khó, ngày 13/5/2024, Bộ GDĐT công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.
“Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt sẽ dành ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo – dự án Luật sẽ giải quyết được một trong những vấn đề mấu chốt nhất của giáo dục, đó là phát triển đội ngũ nhà giáo”.
Ngày 27/8 vừa qua, hồ sơ dự án Luật Nhà giáo đã được Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Theo kế hoạch, dự án Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ VIII (tháng 10/2024) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ IX (tháng 5/2025).
Đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng tuyển sinh
Năm học 2024-2025 cũng là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Như vậy, công tác tuyển sinh đại học từ năm 2025 sẽ có những điều chỉnh gì, thưa Bộ trưởng?
– Cùng với quá trình đẩy mạnh tự chủ đại học, tuyển sinh đại học đã có nhiều thay đổi mang lại hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Trong bối cảnh giáo dục phổ thông đi đến chặng cuối của đổi mới, Kỳ thi tốt nghiệp THPT bước vào năm đầu tiên thực hiện theo phương án mới, những điều chỉnh, đổi mới về công tác tuyển sinh là cần thiết để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học.
Từ định hướng như vậy, hiện nay, Bộ GDĐT đang rà soát, hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho học sinh, xã hội, đảm bảo chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội.
Thưa Bộ trưởng, năm học 2024-2025 đã bắt đầu, Bộ trưởng nhắn nhủ gì tới đội ngũ nhà giáo và học sinh cả nước trong năm học quan trọng này?
– Kinh tế – xã hội của đất nước càng phát triển, càng đặt ra yêu cầu ngày càng cao với GDĐT. Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Năm học 2023-2024 đã kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp, năm học mới 2024-2025 đã bắt đầu, thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, tôi ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, của các các em học sinh, sinh viên trong năm học vừa qua.
Trước thềm năm học mới, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Chúc các thầy cô sẽ thêm niềm vui, động lực để công tác và cống hiến. Chúc cho các em học sinh, sinh viên sẽ có một năm học mới với nhiều sáng tạo và tiến bộ!
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt sẽ dành ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo – dự án Luật sẽ giải quyết được một trong những vấn đề mấu chốt nhất của giáo dục, đó là phát triển đội ngũ nhà giáo”.
Box 5: “Triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và đổi mới giáo dục phổ thông, thời gian qua, các địa phương đã quan tâm tăng cường đầu tư mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Tuy nhiên, thực tế số phòng học chưa được kiên cố hóa vẫn còn cao; vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, mới chỉ đạt 50,63%…Một trong những mục tiêu trọng tâm sẽ được ngành Giáo dục tập trung thực hiện trong năm học 2024-2025 là sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông và quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học”.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn
Nguồn: https://daidoanket.vn/bo-truong-bo-gddt-nam-hoc-moi-de-cao-ky-cuong-trach-nhiem-doi-moi-khong-ngung-10289298.html