(Dân trí) – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải trình về chính sách tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên tại dự thảo Luật Nhà giáo.
Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có báo cáo về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ về dự Luật.
Nhà giáo làm việc ít hơn công chức, viên chức?
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian thực tế lên lớp của nhà giáo ít hơn thời giờ làm việc của công chức, viên chức. Do vậy, đại biểu đề nghị cần đánh giá đầy đủ về tương quan giữa thời gian làm việc và thu nhập của hai nhóm này.
Về việc này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc quy định số tiết giảng dạy/tuần đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được tính toán trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật, chương trình giáo dục, các nhiệm vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm gắn với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.
Theo đó, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo bao gồm hoạt động chuẩn bị và tổ chức giảng dạy, giáo dục, đánh giá đối với người học; hoạt động học tập, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; phục vụ cộng đồng và các hoạt động khác.
Hoạt động nghề nghiệp được thể hiện thành chế độ làm việc của nhà giáo và được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trên năm hoặc trên tuần theo từng cấp học, trình độ đào tạo bảo đảm quy định tuần làm việc 40 giờ theo Bộ luật Lao động.
“Như vậy, quy định về số tiết giảng/giờ giảng trên tuần không có nghĩa là nhà giáo chỉ có mỗi nhiệm vụ lên lớp giảng theo số tiết định mức và bảo đảm quy định của pháp luật về lao động như người lao động ở các ngành, lĩnh vực khác”, báo cáo nêu rõ.
Mỗi ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù hoạt động nghề nghiệp riêng biệt. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định không có việc nhà giáo làm việc với thời gian ít hơn thời gian làm việc của công chức, viên chức khác.
Bên cạnh đó, Bộ này đánh giá thực tế việc xếp lương nhà giáo chưa bảo đảm tương quan với công chức, viên chức các ngành khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ví dụ giáo viên phổ thông hạng III – II – I áp dụng bảng lương của viên chức loại A1 (2,34) – A2.2 (4,0) – A3.2 (5,75); trong khi công chức ngạch viên – chính – cao áp dụng bảng lương của công chức loại A1 (2,34) – A2.1 (4,4) – A3.1 (6,2); hoặc chức danh y tế công cộng hạng III – II – I được áp dụng bảng lương của công chức loại A1 (2,34) – A2.1 (4,4) – A3.1 (6,2).
Xếp lương nhà giáo mới tuyển dụng thêm 1 bậc
Liên quan đến ý kiến về nguồn lực thực hiện các chính sách về tiền lương, phụ cấp, các chế độ thu hút, ưu đãi với nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, nhà giáo được xếp lương theo thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng thêm phụ cấp lương cơ bản tương ứng với chức danh từ mức 1 đến 1,8.
Bên cạnh đó, bảng lương của nhà giáo được sắp xếp lại nhằm bảo đảm tương quan với công chức và với viên chức các ngành khác. Ngoài ra, phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non (tăng thêm 10%) và tiểu học (tăng thêm 5%).
Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; bổ sung đối tượng hưởng phụ cấp lưu động gồm nhà giáo dạy liên trường…
“Các nội dung dự kiến đề xuất nêu trên vẫn được thực hiện trên cơ sở các quy định hiện hành về tiền lương, phụ cấp. Về các nội dung quy định này, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các quy định phù hợp, khả thi”, báo cáo nêu rõ.
Còn về việc thực hiện chính sách tiền lương mới, nguồn lực của nhà nước sẽ được tính toán cụ thể theo từng giai đoạn thực hiện, theo từng nội dung chính sách tiền lương mới được thông qua và không thuộc phạm vi đánh giá của dự án Luật Nhà giáo.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo đã có đánh giá tác động đối với quy định “Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định này xuất phát từ thực tế mức lương khởi điểm của nhà giáo trẻ còn thấp, do đặc thù nghề nghiệp nên cơ hội để nhà giáo có thêm thu nhập rất hạn chế.
Tỷ lệ nhà giáo ở độ tuổi dưới 30 nghỉ việc, chuyển việc trong thời gian qua lớn hơn so với các độ tuổi khác. Theo Bộ này, nếu nhà nước không có chính sách phù hợp sẽ khó “giữ chân” được đội ngũ nhà giáo trẻ.
Để bảo đảm các chính sách về tiền lương, phụ cấp có trọng tâm, trọng điểm, chi trả cho đúng đối tượng và bảo đảm tương quan với các viên chức, người lao động các ngành, lĩnh vực khác, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các quy định phù hợp, khả thi.
Đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm
Theo báo cáo, từ khi độ tuổi nghỉ hưu được tăng lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ theo Bộ luật Lao động, giáo viên mầm non có rất nhiều tâm tư.
Việc giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và nêu ý kiến tại nghị trường/
Vì vậy, Luật Nhà giáo quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Liên quan đến chính sách không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi trong triển khai chính sách trong thực tiễn.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-bo-gddt-noi-ve-tuong-quan-tien-luong-cua-giao-vien-voi-cong-chuc-20241120085344273.htm