Quan hệ Mỹ – Trung đang trên đà tan băng sau một năm trải qua nhiều biến động và căng thẳng, dù nhiều thách thức vẫn chờ đợi phía trước.
Cuộc gặp thượng đỉnh 4 giờ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở San Francisco ngày 15/11 thắp lên hy vọng về động lực mới trong quan hệ Mỹ – Trung, sau một năm hai cường quốc gần như cắt đứt các kênh tiếp xúc cấp cao.
Hơn một tháng sau cuộc gặp, Washington và Bắc Kinh đang có những dấu hiệu khôi phục quan hệ. Ngày 22/12, hai nước nối lại đối thoại quân sự vốn đã bị Trung Quốc đóng băng từ tháng 8/2022, sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó Nancy Pelosi.
Mỹ và Trung Quốc cho rằng duy trì đối thoại là điều quan trọng với cả hai bên, theo thông tin từ cuộc họp trực tuyến giữa Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Charles Brown và tướng Lưu Chấn Lập, tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Một tuần sau, ông Tập gửi thư chúc mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung (USCBC), tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington đại diện cho hơn 270 công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc.
Trong thư, ông cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc, giữa lúc có nhiều lo ngại về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chật vật phục hồi sau cuộc khủng hoảng bất động sản và các nhà đầu tư nước ngoài rời đi.
Lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi USCBC và các thành viên “xây dựng cầu nối trao đổi thân thiện” và mở rộng hợp tác giữa hai nước, dấu hiệu cho thấy mối quan hệ song phương quan trọng hàng đầu thế giới tiếp tục ấm lên.
Về phía Mỹ, tín hiệu tích cực được phát đi từ Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, người đối thoại quan trọng trong giai đoạn khôi phục quan hệ Mỹ – Trung. Bà dự kiến có chuyến thăm thứ hai tới Trung Quốc vào năm 2024, khi hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trọng tâm của bà Yellen trong chuyến thăm sẽ là xác định những “vấn đề còn khó khăn” giữa hai nước.
“Có rất nhiều vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc bất đồng gay gắt. Nguy cơ xảy ra những cú sốc ảnh hưởng tới cả hai nước luôn hiện hữu. Chúng tôi không tìm cách giải quyết mọi bất đồng hay tránh mọi cú sốc. Đó là hoàn toàn điều không thể”, bà nói.
Mục tiêu của Mỹ là giúp “đối thoại linh hoạt khi có bất đồng, cú sốc xảy ra, cũng như ngăn hiểu lầm leo thang và gây tổn hại” cho hai bên, theo bà Yellen.
Điểm tích cực thứ hai là các nhóm công tác được hai nước thành lập để giải quyết những vấn đề liên quan tới tài chính và kinh tế đã nhóm họp thường xuyên.
“Ai cũng hiểu rõ rằng các lãnh đạo quân sự cần có kênh liên lạc nhanh chóng và đáng tin cậy để ngăn khủng hoảng không vượt tầm kiểm soát”, bà nói. “Đối với những nhà hoạch định chính sách kinh tế khi đối phó khủng hoảng tài chính, điều quan trọng là phải biết đối tác mà họ có thể nhanh chóng liên hệ. Để thực hiện điều này, Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi giữa các cơ quan quản lý tài chính hai bên”.
Quan hệ hai nước đã ấm hơn đôi chút so với hồi đầu năm nay, theo Bhagyashree Garekar, nhà phân tích của Straits Times. Quan hệ song phương xuống mức thấp nhất vào tháng 2, khi Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc mà họ coi là thiết bị do thám ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Bắc Kinh chỉ trích hành động này, nói rằng đó chỉ là khí cầu thời tiết đi lạc.
“Chúng tôi đang thấy một số động thái tích cực, khi các cơ quan chính phủ Trung Quốc được khuyến khích tiếp xúc nhiều hơn với các đối tác Mỹ. Một trong số đó là việc nối lại trao đổi quân sự cấp cao”, Bonny Lin, nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Mỹ, nói.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng cảnh báo quan hệ Mỹ – Trung có thể tiếp tục đối mặt nhiều sóng gió trong năm 2024, bất chấp những tín hiệu tích cực vào cuối năm 2023.
Đầu tiên sẽ là cuộc bầu cử ở Đài Loan, hòn đảo Trung Quốc luôn xem là vùng lãnh thổ chờ thống nhất, vào ngày 13/1. Cách Trung Quốc phản ứng với cuộc bầu cử có thể quyết định liệu mối quan hệ giữa hai siêu cường có quay lại trạng thái căng thẳng hay không, theo Don Durfee và Antoni Slodkowski, hai nhà phân tích của Reuters.
Các cuộc bầu cử trước đây trên hòn đảo đã từng làm leo thang thang căng thẳng, đáng chú ý nhất là vào năm 1996, khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự và phóng thử tên lửa, khiến Mỹ điều tàu sân bay tới eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng với mong muốn tránh xung đột, ông Tập sẽ kiềm chế phản ứng quân sự của Trung Quốc với cuộc bầu cử ở Đài Loan.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm 2024 thậm chí có thể tác động nhiều hơn tới quan hệ song phương. Cuộc bầu cử năm nay rất có thể là cuộc tái đấu giữa ông Biden và cựu tổng thống Donald Trump, người từng có quan điểm rất cứng rắn với Trung Quốc.
Khi cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ có những lời tranh luận gay gắt về Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tập trung hơn vào câu hỏi “liệu ông Trump có tái đắc cử hay không?”.
“Khi người Trung Quốc nghĩ về cuộc bầu cử năm tới, ông Trump sẽ lại là cơn ác mộng tồi tệ nhất với họ”, Yun Sun, giám đốc Trung tâm Stimson ở Mỹ, nói.
Quan hệ Mỹ – Trung đã trở nên rất căng thẳng trong nhiệm kỳ của ông Trump, với cuộc chiến thương mại quy mô lớn, cùng những cáo buộc về nguồn gốc Covid-19.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden không dỡ bỏ các biện pháp áp thuế dưới thời Trump, thậm chí còn gia tăng áp lực với Bắc Kinh bằng cách bổ sung biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới và củng cố liên minh đa phương của Mỹ.
Dù có thể không hài lòng với nhiều chính sách của ông Biden, chuyên gia Sun nhận định Trung Quốc vẫn cho rằng đây là một lãnh đạo tuân thủ các quy tắc quan hệ. Trong khi đó, ông Trump là người khó đoán định và có thể đưa ra những quyết sách bất ngờ.
“Dưới thời ông Trump, hai bên hầu như không thể có cuộc đối thoại ý nghĩa nào về các lĩnh vực, thay vào đó là những căng thẳng leo thang không thể ngăn cản”, Sun nói.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ được tăng cường vào năm tới. Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn trong việc đáp trả hạn chế của Mỹ, đặc biệt việc trả đũa doanh nghiệp Mỹ có thể khiến Bắc Kinh mất nguồn vốn nước ngoài giữa lúc tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Bởi vậy, các nhà quan sát cho rằng cả hai bên đều sẽ thận trọng về tương lai. “Hai nước đều cảnh giác về nguy cơ những kết quả đạt được từ cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden có thể bị thách thức và suy yếu”, bà Lin nói.
Xin Qiang, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, Trung Quốc cũng cảnh báo Mỹ không nên quá lạc quan về việc khôi phục kênh liên lạc quân sự và cho rằng hai bên “không còn vấn đề gì lớn”.
Tuy nhiên, bà Yellen nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực duy trì ổn định trong quan hệ song phương. “Nền kinh tế và người dân chúng tôi cũng như cả thế giới sẽ trở nên an toàn hơn. Đây là ý nghĩa của việc Mỹ và Trung Quốc xây dựng và quản lý mối quan hệ của chúng tôi một cách có trách nhiệm”, bà nói.
Thanh Tâm (Theo Straits Times, Reuters, WSJ)