Trong tháng 8/2024, giá vàng thế giới tăng rất mạnh và nhiều lần lập kỷ lục mới. Giá vàng giao kỳ hạn có lúc lên ngưỡng 2.570 USD/ounce, trong khi vàng giao ngay có thời điểm lên trên 2.530 USD/ounce, cao hơn nhiều so với mức 1.820 USD/ounce hồi tháng 10/2023.
Vậy các nước đã tranh thủ mua vàng khi giá rẻ như thế nào và đang nắm giữ bao nhiêu vàng, tỷ trọng ra sao trong tổng dự trữ quốc gia?
Các nước dồn dập mua vàng trước khi giá tăng vọt
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục kiềm chế không mua vàng trong tháng 7. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp PBoC không mua thêm vàng. Và đây cũng là giai đoạn giá vàng đang đứng trên đỉnh cao nhất mọi thời đại.
Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã lập kỷ lục hiếm có với 18 tháng mua ròng vàng liên tiếp và đẩy số lượng vàng nắm giữ trong tổng tài sản dự trữ quốc gia lên mức cao kỷ lục, khoảng 4,9% về trị giá, tương đương hơn 2.264 tấn vàng. Tổng số lượng vàng mà PBoC nắm giữ có trị giá khoảng 170 tỷ USD, so với tổng dự trữ ngoại hối khoảng hơn 3.285 tỷ USD, tương đương 5,1% dự trữ ngoại hối.
Tỷ lệ nắm giữ vàng của Trung Quốc đang ở mức cao kỷ lục nhưng còn thấp hơn nhiều quốc gia khác và thấp hơn mức trung bình 16% toàn cầu, theo Reuters.
Nga là một trong các quốc gia đẩy mạnh mua vàng trong nhiều năm qua, kể từ khi nước này bị áp nhiều biện pháp cấm vận. Theo WGC, tính tới cuối quý II/2024, tỷ lệ nắm giữ vàng của Nga là gần 29,5% trong tổng dự trữ quốc gia khoảng 594 tỷ USD. Giá trị vàng mà Nga đang nắm giữ ước tính khoảng 175 tỷ USD, tương đương gần 2.336 tấn vàng.
Mỹ là quốc gia đứng số 1 thế giới về số lượng vàng nắm giữ, với khoảng 8.133 tấn, trị giá gần 610 tỷ USD.
Ấn Độ đang nắm gần 841 tấn vàng, trị giá khoảng 63 tỷ USD, tương đương gần 9,6% tổng tài sản dự trữ quốc gia. Nhật nắm 846 tấn, trị giá hơn 63,3 tỷ USD, tương đương 5,15% tổng dự trữ quốc gia.
Có thể thấy, trừ Mỹ vốn đã nắm giữ lượng lớn vàng và ít mua vào trong vài năm qua, còn lại nhiều ngân hàng trung ương các nước đẩy mạnh mua vàng. Trung Quốc có tỷ lệ vàng trong dự trữ quốc gia không nhiều nhưng tốc độ mua ròng vàng của quốc gia này thuộc top đầu trong khoảng 2 năm qua.
PBoC đã mua ròng 18 tháng tính tới hết tháng 4/2024, tỷ lệ vàng nước này nắm giữ (trong tổng tài sản dự trữ quốc gia) tăng gần gấp 3 lần so với mức 1,8% năm 2015.
Đây là tốc độ thay đổi tỷ lệ kỷ lục trong 2 thập kỷ qua của một ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc cũng đẩy mạnh bán trái phiếu Mỹ để chuyển qua mua vàng.
Theo WGC, trong năm 2023, Trung Quốc là tay mua vàng lớn nhất thế giới khi giá vàng ở mức thấp, đa số mua tại thời điểm giá từ 1.650-1.750 USD/ounce, cao nhất mới lên ngưỡng 1.990 USD/ounce. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua ròng gần 225 tấn vàng, mức nhiều nhất trong 46 năm.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã tăng cường mua vàng trong tháng 6 vừa qua, với mức mua vào khoảng 9,3 tấn, cao hơn nhiều so với mức trung bình mua 5,6 tấn/tháng trong 5 tháng trước đó. Tổng cộng trong nửa đầu năm 2024, Ấn Độ mua hơn 37 tấn vàng, mức cao nhất kể từ năm 2013, tăng gấp 3 lần so với năm 2023.
Đông Nam Á dự trữ vàng ra sao?
Trong khi nhiều nước lớn đẩy mạnh mua vàng từ cuối năm 2022, nhiều nước Đông Nam Á mua vàng rất nhiều trong thời gian này và có khối lượng cũng như tỷ lệ nắm giữ vàng so với tổng tài sản dự trữ quốc gia rất khiêm tốn.
Tỷ lệ nắm giữ vàng ấn tượng nhất trong khu vực có lẽ là Thái Lan với hơn 7,8% trong tổng tài sản dự trữ quốc gia, tương đương khoảng 234 tấn vàng (giá trị khoảng gần 17,6 tỷ USD). Singapore nắm giữ gần 229 tấn vàng, trị giá gần 17,2 tỷ USD, tương đương gần 4,5% tổng tài sản dự trữ quốc gia.
Malaysia nắm giữ gần 38,9 tấn vàng, trị giá hơn 2,9 tỷ USD, tương đương gần 2,6% tổng tài sản dự trữ quốc gia.
WGC không có số liệu thống kê của Việt Nam, Lào, Indonesia, Philippines, Myanmar, Campuchia.
Số lượng vàng trong dự trữ ngoại hối không được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố. Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) trích dẫn số liệu từ CEIC cho thấy, tính tới tháng 5/2020, vàng dự trữ ở mức khoảng gần 9,2 tấn, tương đương khoảng 0,68% tổng dự trữ ngoại hối.
Con số này có thể không có nhiều thay đổi vì Việt Nam trong gần chục năm qua không công bố hoạt động nhập khẩu vàng.
Còn trên trang CEIC, Việt Nam có vàng dự trữ gần 666 triệu USD tính tới tháng 11/2023. Nếu tính mức giá khoảng 1.970 USD/ounce hồi tháng 11/2023 thì Việt Nam có tổng lượng vàng khoảng 10,5 tấn. Tỷ lệ vàng nắm giữ chiếm khoảng 0,5-0,7% tổng tài sản dự trữ quốc gia.
Hồi cuối tháng 4/2024, NHNN bán đấu thầu để cung ứng vàng ra thị trường khi giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới quy đổi 16-20 triệu đồng/lượng. Nhưng qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng không được giảm như kỳ vọng. Gần cuối tháng 5, NHNN đã ngừng đấu thầu vàng sau khi đã cung ứng ra thị trường hơn 1,8 tấn qua kênh này.
NHNN sau đó bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng lớn là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để các đơn vị này bán vàng trực tiếp tới người dân. Hiện tổng số lượng vàng đã bán ra chưa được cơ quan chức năng công bố.
Trên thực tế, đa số ngân hàng trung ương phải duy trì một lượng vàng nhất định. Do vậy, nếu NHNN duy trì tỷ lệ vàng nắm giữ ở mức 0,5% dự trữ quốc gia thì mức bán ra chỉ khoảng 2-2,4 tấn.
Từ đầu năm, tỷ giá USD/VND khá căng thẳng và lẽ thường NHNN sẽ phải bán USD trong dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá. Và khoảng 2 tuần gần đây, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt khi đồng USD tụt giảm trên thị trường quốc tế, nhiều khả năng NHNN sẽ mua USD vào để tăng dự trữ ngoại hối.
Khi dự trữ ngoại hối tăng lên và tỷ giá ổn định, NHNN có thể nhập khẩu vàng. Với nhu cầu được các chuyên gia ước tính hàng năm khoảng 40-50 tấn, Việt Nam có thể phải chi khoảng 3 tỷ USD để nhập mặt hàng này. Đây là con số không lớn nếu tỷ giá ổn định. Việc đưa vàng vào dự trữ quốc gia là chiến lược của nhiều nước mỗi khi giá vàng xuống thấp.
Gần đây, giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh cao kỷ lục mới cho dù Trung Quốc đang ngừng mua vàng. Tuy nhiên, sức cầu đối với mặt hàng này tăng mạnh khi vàng rời đỉnh cao 2.530 USD về ngưỡng 2.500 USD/ounce. Trung Quốc được dự báo sẽ sớm quay lại mua ròng vàng trong bối cảnh đồng USD giảm nhanh và Bắc Kinh vẫn đang trong chiến lược giảm tỷ trọng của đồng bạc xanh trong dự trữ ngoại hối của mình.
Nhiều quỹ ETF lớn trên thế giới gần đây đẩy mạnh mua ròng vàng. Nếu Trung Quốc đưa tỷ lệ nắm giữ vàng lên 10%, quốc gia này sẽ phải nhập thêm khoảng 2.200 tấn vàng, tương đương khoảng 170 tỷ USD.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/my-tru-vang-lon-nhat-nga-trung-quoc-don-dap-mua-vang-re-truoc-con-sot-dong-nam-a-tho-o-2316500.html