Dự án tàu cao tốc điện mới có thể chạy quãng đường 386 km trong thời gian chưa đến 90 phút và chở hơn 6 triệu hành khách mỗi năm.
Một hệ thống đường sắt cao tốc lấy cảm hứng từ tàu viên đạn của Nhật Bản có thể chở hành khách qua lại giữa Houston và Dallas trong chưa đầy 90 phút. Trong thông báo hôm 9/8, hãng tàu Amtrak và công ty Texas Central hướng tới mục tiêu nối liền hai thành phố cách nhau 386 km bằng tàu cao tốc 330 km/h.
Theo Quartz, dự án đã được trình lên một số chương trình trợ cấp của liên bang để hỗ trợ tài chính và chi phí thiết kế. Đại diện của Amtrak ước tính dự án có thể giảm hơn 100.000 tấn khí nhà kính hàng năm và giảm ước tính 12.500 xe/ngày từ hành lang I-45 trong vùng. Việc giảm số phương tiện cá nhân trên đường có thể tiết kiệm tới 246 triệu lít nhiên liệu mỗi năm.
Tàu di chuyển trên tuyến Dallas – Houston của Amtrak sẽ dựa trên tàu viên đạn Shinkansen N700S Series mới nâng cấp của Nhật Bản, thiết kế ra mắt lần đầu năm 2020. Tàu viên đạn hoạt động ở Nhật Bản hơn 50 năm và hiện nay đã điện khí hóa hoàn toàn, đồng thời nhẹ và êm hơn ôtô ray. Ngoài ra, phương tiện giao thông này có lượng carbon trên mỗi hành khách chỉ bằng 1/6 so với máy bay phản lực thương mại tiêu chuẩn. “Tàu cao tốc sử dụng công nghệ tiên tiến của tàu Shinkansen có khả năng cách mạng hóa giao thông đường sắt ở miền nam nước Mỹ”, Michael Bui, giám đốc điều hành Texas, cho biết.
Các nhà quy hoạch đô thị ở Mỹ bị thu hút bởi ý tưởng xây đường sắt cao tốc từ lâu như liên tục không thể phát triển loại phương tiện này do hàng loạt vấn đề, bao gồm ngân sách, chính trị và trở ngại văn hóa. 85% hành khách hay đi lại giữa Dallas và Bắc Texas được khảo sát gần đây cho biết họ sẽ đi tàu cao tốc trong hoàn cảnh thích hợp.
Nếu đúng như vậy, khoảng 6 triệu người có thể đi tàu cao tốc vào cuối thập kỷ và con số sẽ tăng lên 13 triệu người năm 2050. Những dự án tàu cao tốc tương tự đang được phát triển nhằm nối San Francisco – Los Angeles và Los Angeles – Las Vegas.
An Khang (Theo Popsci)