Giới chức Mỹ thông báo pháo GAU-22/A trên tiêm kích F-35A đã được cải thiện sau nhiều năm khắc phục vấn đề về phần cứng và phần mềm.
“Sau khi làm việc với không quân Mỹ và các đối tác trong ngành công nghiệp quốc phòng, chúng tôi có thể tuyên bố rằng pháo GAU-22/A đã được cải thiện và đạt hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện nó nhằm tăng tối đa hiệu quả tác chiến”, Russ Goemaere, phát ngôn viên Văn phòng Chương trình F-35 (JPO) thuộc Lầu Năm Góc, cho biết cuối tuần trước.
Pháo nòng xoay GAU-22/A được thiết kế để F-35 diệt mục tiêu ở khoảng cách gần, vốn không được coi là lợi thế tác chiến của loại chiến đấu cơ tàng hình này. GAU-22/A có tốc độ bắn lên đến 3.300 phát mỗi phút, sơ tốc đầu nòng của đạn khoảng hơn một km/s.
F-35A là phiên bản duy nhất lắp pháo GAU-22/A trong thân để bảo đảm khả năng tàng hình, nắp che đầu nòng chỉ mở ra khi khai hỏa và lập tức đóng lại khi pháo ngừng bắn. Khẩu pháo được trang bị cơ số đạn 180 viên, đủ để bắn liên tục trong vòng 3 giây.
Trong khi đó, dòng F-35B/C phải dùng bệ pháo rời gắn dưới bụng, ảnh hưởng tới đặc tính khí động học và khả năng tàng hình của máy bay, nhưng có thể mang cơ số đạn 220 viên.
Pháo GAU-22/A xuất hiện trên những tiêm kích F-35 đầu tiên được xuất xưởng, nhưng chỉ có thể được sử dụng từ giữa thập niên 2010 với gói nâng cấp phần mềm Block 3F. Quá trình bắn thử hồi năm 2016 chỉ ra hàng loạt vấn đề với hệ thống hiển thị trên mũ bay của phi công, như các biểu tượng che khuất mục tiêu và đường ngắm không ổn định.
Hàng loạt gói cập nhật phần mềm đã khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, JPO hồi năm 2020 tiếp tục phát hiện bệ gắn pháo trong thân F-35A bị căn chỉnh sai lệch. Điều này khiến độ chính xác của GAU-22/A bị đánh giá là “không thể chấp nhận” và các đợt khai hỏa cũng làm rạn nứt phần thân vỏ máy bay ở gần đầu nòng pháo.
Chưa rõ những vấn đề này được khắc phục triệt để hay chưa. Hàng loạt vụ rạn nứt thân vỏ liên quan đến pháo GAU-22/A trên F-35A vẫn được ghi nhận trong những năm gần đây, nhưng dường như không tác động với độ chính xác của loại pháo này.
Tập đoàn Lockheed Martin bắt đầu phát triển tiêm kích F-35 từ năm 1995, biến thể F-35A lần đầu cất cánh năm 2006. Dự án có trị giá 1.500 tỷ USD, là một trong những chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ, nhưng gặp hàng loạt trục trặc và sự cố kỹ thuật.
Lầu Năm Góc giữa tháng 3 phê duyệt quá trình chế tạo với năng lực tối đa của nhà sản xuất, đánh dấu kết thúc giai đoạn thử nghiệm máy bay kéo dài 17 năm.
F-35A là phiên bản tiêm kích tàng hình được phát triển cho không quân Mỹ và các nước đồng minh. Đây là biến thể nhỏ và nhẹ nhất trong dòng F-35, có khả năng cơ động cao hơn nhiều so với mẫu F-35B thủy quân lục chiến và F-35C hải quân. Mỗi chiếc F-35A có giá xuất xưởng khoảng 80-90 triệu USD, tùy lô sản xuất, chưa bao gồm vũ khí và phụ tùng đi kèm.
Vũ Anh (Theo War Zone)