Ngày 25/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trò chuyện ‘mang tính xây dựng’ với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy về thỏa thuận nâng trần nợ công.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trao đổi về thỏa thuận nhằm đạt trần nợ công ngày 22/5, tại Nhà Trắng. (Nguồn: Reuters) |
Một nguồn tin cho biết trong diễn biến mới nhất, các nhà đàm phán đảng Cộng hòa được cho là đã từ bỏ kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng và cắt giảm các chi phí phi quốc phòng khác. Thay vào đó, đảng này ủng hộ nỗ lực của Nhà Trắng trong việc tăng ngân sách ở cả hai lĩnh vực này theo hướng cân bằng hơn.
Hai bên tiếp tục đàm phán việc này vào chiều ngày 25/5 (giờ địa phương).
Cụ thể, thỏa thuận nâng trần nợ công của nước Mỹ lên 31.400 tỷ USD quy định rõ ngân sách mà chính phủ có thể chi tiêu dành cho các chương trình khác như nhà ở và giáo dục. Hiện con số mục tiêu của hai bên đang cách nhau 70 tỷ USD, với con số cuối cùng dự kiến cuối cùng có thể lên tới 1.000 tỷ USD.
Trước đó, lưỡng đảng vẫn chia rẽ sâu sắc về cách thu hẹp thâm hụt ngân sách liên bang. Theo đảng Dân chủ, những người có thu nhập cao và giới doanh nghiệp nên nộp thuế nhiều hơn, trong khi đảng Cộng hòa lại muốn cắt giảm chi tiêu.
Song ngay cả khi hai bên tìm được sự nhất trí, đề xuất trên vẫn cần thông qua Thượng viện và Hạ viện Mỹ phê duyệt trước khi được Tổng thống Biden ký ban hành thành luật. Vì thế, nó sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ nhất quán từ lưỡng đảng.
Trong bối cảnh đó, hiện chưa rõ hai bên có thể đạt được thỏa thuận trước ngày 1/6 hay không. Chính quyền ông Joe Biden đã đề cập khả năng sử dụng một điều khoản trong Tu chính án thứ 14 cho phép Tổng thống nâng mức trần nợ công.
Về phần mình, giới chuyên gia cảnh báo việc chính phủ Mỹ vỡ nợ dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng với nước này nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.