Theo TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục, muốn một quốc gia chuyển đổi số nhanh chóng, tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
TS. Cù Văn Trung cho rằng, muốn chuyển đổi số thành công, cần sự vào cuộc của toàn dân. (Ảnh: NVCC) |
Những bước chuyển mình
Ông đánh giá thế nào về quá trình chuyển đổi số tại nước ta hiện nay?
Chuyển đổi số ở Việt Nam thực sự tạo được sự chuyển mình từ nhiều năm nay. Đặc biệt, từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 dẫn tới những xáo trộn, nhu cầu tự thân và các yêu cầu bắt buộc khách quan khiến các cơ quan Nhà nước, người dân đều phải thích ứng, thay đổi, đồng thời, sử dụng các thành tựu của khoa học công nghệ 4.0 vào quản lý, kinh doanh và phục vụ đời sống.
Từ 2010 đến 2020, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý cũng như trong đời sống dân sinh. Đặc biệt, từ năm 2020, nhiều quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia cho thấy, Việt Nam ngày càng nhận thức hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Qua quan sát, rất nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp thực hiện chương trình chuyển đổi số một cách quyết liệt, mạnh mẽ. Đi đầu có lẽ phải kể tới vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tư pháp…
Dữ liệu cá nhân, hồ sơ bệnh án, công tác dân số và nhiều thông tin, ứng dụng qua phần mềm được đưa vào triển khai trên diện rộng, quy mô lớn. Các tỉnh, thành như Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh là những điểm sáng trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
Có thể nói, quá trình chuyển đổi số quốc gia thúc đẩy năng lực sáng tạo và khơi dậy tiềm năng của con người, các hoạt động kinh tế – xã hội diễn ra sôi động, đa dạng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ, liên kết vùng miền, xuyên quốc gia, xuyên biên giới trong việc ứng dụng các thành tựu của nền công nghiệp 4.0 một cách hiệu quả, thiết thực.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, chuyển đổi số ở nước ta hiện chưa được như kỳ vọng. Nó diễn ra không đồng đều ở một số nơi, trong một số lĩnh vực, ngành nghề. Trên thực tế, vẫn có hiện tượng hiểu sai, cản trở tiến hành quá trình chuyển đổi số; nhiều người dân, doanh nghiệp chậm kê khai, ứng dụng các phần mềm mới…
Trong những năm gần đây, một loạt dự án chuyển đối số dịch vụ công được các bộ, ngành đưa ra trong khuôn khổ các chương trình cải cách hành chính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc chuyển đổi số vẫn gặp rào cản?
Không phải chỉ cần nguồn kinh phí và chủ trương đầu tư vào một số dịch vụ công trong quá trình chuyển đổi số là làm được ngay. Bởi nó còn liên quan đến năng lực tiếp nhận, sử dụng và vận hành của cơ quan được đầu tư. Nguồn lực con người cần qua đào tạo, tập huấn, cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị phụ trợ có tương thích, đồng bộ không?
Hiện nay, mới chỉ có một số trường đại học như Bách Khoa Hà Nội, Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, FPT, Công nghệ (Đại học Quốc gia) đang đào tạo một số ngành mới về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, học máy với quy mô và số lượng sinh viên chưa nhiều. Chưa có lứa cử nhân nào thuộc khối ngành đó ra trường tính đến thời điểm này.
Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo một số nơi chưa tha thiết với chuyển đổi số, thậm chí băn khoăn liệu chuyển đổi số có cần thiết, thực sự giúp ích trong công việc của họ không? Một số đơn vị, tổ chức cho rằng, với cách làm cũ, họ có điều kiện tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp, người dân hơn.
Đó là những lực cản của quá trình chuyển đổi số.
Để không “mạnh ai nấy làm”
Trước thực trạng như vậy, làm sao để việc chuyển đổi số không phải “mạnh ai nấy làm”, theo ông?
Đây là một thực tế khách quan, không thể khác được, phát triển không có tính dàn đều, mỗi một đơn vị có năng lực khác nhau, tài chính, nhân sự và mục tiêu hành động khác nhau. Do đó, quá trình chuyển đổi số cũng phải tiến hành rất khác nhau.
Chúng ta không nên lo ngại về điều đó bởi đấy là quy luật tự nhiên của cuộc sống, của cạnh tranh thị trường và tạo ra bức tranh đa màu sắc trong đời sống kinh tế – xã hội. Việc phân bổ nguồn lực, tài chính sẽ được cân đối khi cần. Lúc đó, Nhà nước sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một chủ trương hay dự án đầu tư về địa phương, đơn vị nào đó.
Chúng ta vẫn đang ở quá trình chưa hẳn chủ động, vẫn phải chịu tác động, “nằm chờ”, thụ hưởng các thành quả của cuộc cách mạng thế giới. Vì thế, chúng ta đang ở quá trình thể nghiệm, tịnh tiến và tham khảo, học hỏi lẫn nhau trong vấn đề này.
Đây chưa thực sự là giai đoạn người Việt phải lo lắng về sự mất cần bằng, sự lớn mạnh của một “con khủng long” nào đó thời chuyển đổi số làm khuynh đảo và “ăn” hết các nguồn lực còn lại của các bộ phận khác trong xã hội.
Có người nói chuyển đổi số chưa đủ, hãy chuyển đổi chính mình, ông nghĩ sao?
Đúng vậy, điều này thể hiện yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tức là mục tiêu muốn thành công, muốn diễn ra theo ý đồ của chủ thể thì phải có sự đồng thuận. Mà đồng thuận chính là tự chuyển biến trong nhận thức của mỗi con người trong quá trình tham gia vào đó. Hay nói cách khác, chuyển đổi số chỉ có thể “nảy nở” ở một môi trường mà tại đó có sự chủ động, chung tay của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Còn về trường hợp cá nhân của quá trình này, phải mở lòng tiếp nhận, phải có cái nhìn tích cực về những gì chuyển đổi số mang lại. Tránh rụt rè, lo sợ, định kiến để đánh mất cơ hội mà nó mang lại. Tôi cho rằng, một chủ đề (chuyển đổi số) mà cả xã hội lên tiếng, Nhà nước khích lệ, nhân loại phổ biến thì không lẽ gì chúng ta không chuyển mình để cho kịp vời thời cuộc.
Câu hỏi được đặt ra, điều quan trọng, ai chuyển cùng mình hay một mình mình chuyển? Khi nghiên cứu về chuyển đổi số ở Việt Nam, thấy nó hay quá, nó chuyển biến nhanh quá và muốn phổ biến, muốn học tập các khóa học về công nghệ luôn. Tuy nhiên, khi tôi “chuyển mình” thì thấy bạn bè, người thân cứ dửng dưng, không háo hức, không cho là quan trọng nên hụt hẫng, dần dần nhiệt huyết của mình cũng giảm. Do đó, “chuyển mình” cần có môi trường, cộng đồng và cần có đồng minh, bạn bè là vì thế.
Vậy việc chuyển đổi số đòi hỏi phải những giải pháp đồng bộ thế nào, thưa ông?
Như chúng ta đã biết, chuyển đổi số bao gồm kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, trên mỗi phương diện này có các giải pháp chi tiết, cụ thể đi kèm. Ở đây, chúng ta thường chỉ chú ý tới khía cạnh Nhà nước trong quá trình chuyển đổi số. Nhà nước vừa là đối tượng chủ động đưa ra các quyết định, dẫn dắt và quản lý, đồng thời là chủ thể của quá trình chuyển đổi số.
Muốn một đất nước, một quốc gia chuyển đổi số nhanh chóng, tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì cần sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Người ta thường nói vui là công nghệ 4.0 mà trình độ, năng lực, xuất phát điểm chỉ ở mức 0.4 cũng không thể bứt phá được.
Đối với vấn đề chuyển đổi số, chúng ta không thể như là những người chơi game do kẻ khác phát minh. Tức là, chúng ta không thể ở thế bị động, không có vai trò, khả năng gì trong xu thế đang diễn ra ấy của thế giới.
Nói như vậy để cho thấy, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã được ban hành, chương trình hành động đã được phát động, mục tiêu quốc gia cũng đã có nhưng còn cần sự chung tay của cả cộng đồng. Bởi để lĩnh hội, làm chủ và tận dụng, bắt kịp được tiến trình chuyển đổi số đòi hỏi năng lực rất lớn trên nền tảng kinh tế – chính trị – xã hội tương ứng.
Xin cảm ơn ông!