Mưa ngang bến cũ

Việt NamViệt Nam28/01/2025


dau-nguon-song-que.jpg
Đầu nguồn sông Vu Gia. ảnh: MỤC ĐỒNG

Bến chợ ven sông

Chuyện ngoại kể năm xưa khi bà còn sống, giờ như bám chặt đâu đó trong nếp mờ não tôi. Từ nhà ngoại ở làng Phiếm Ái, vạch một đường cong cánh cung ra bùng. Sấp ngửa với cát trồng màu nào ớt, thuốc, dưa hấu và cả hoa nữa để nuôi bầy con 7 đứa. Bùng là bãi biền ven sông Vu Gia. Sau giải phóng, cả khu vực này còn mênh mông những cồn cát trắng.

Sông Vu Gia chia làm hai nhánh, một nhánh về Giao Thủy, nhánh còn lại chảy qua Ái Nghĩa nối với sông Yên rồi đổ ra Cẩm Lệ, tới sông Hàn (Đà Nẵng). Ưu thế sông nước, điền địa là thứ mà các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng quyết định tính cách nhanh nhẹn, giỏi xoay trở với thời cuộc của người vùng này.

Câu chuyện của ông Trần Đĩnh tại Hà Sông - nơi chín ngả sông Con trong câu ca “Ai về chín ngả sông Con/Hỏi thăm Tú Đĩnh có còn hay không?” lưu truyền trong dân gian và cả sử sách, thường được người già nhắc tới. Đó như một ví dụ cho chuyện người của vùng đất lao tâm trước vận mệnh nước non.

Cô tôi xưa trăm ngàn chuyến ngược nguồn mang sản vật về Ái Nghĩa bán buôn. Hà Nha, Bến Dầu, Phú Thuận, Ái Nghĩa, Phường Đông… chẳng thiếu bến chợ nào cô không ghé tới mua đi bán lại. Chán nông sản, cô quay lên bến Hội Khách tận đầu nguồn Vu Gia để buôn gỗ. Sau giải phóng và sau này là tách tỉnh, nhiều bến được đầu tư thêm phà, thêm cầu. Con đò neo lại thành chuyện để những người một đời bám đò kể lể.

Bến đò trên xứ Việt này, chẳng riêng gì vùng Đại Lộc, thường gắn liền với bến chợ ven sông. Lạ ở quê tôi, là đò dọc cũng đó mà đò ngang cũng đó. Nên suốt dặm dài con nước, không kể các bến lớn nhộn nhịp (bến mà sau mỗi chuyến đi có khi vài tháng, cô trở về toàn kể chuyện giang hồ tứ xứ đánh nhau), những bến để người làm đồng như ngoại lên xuống, nhiều vô kể.

Giữ một nếp nhà

Phù sa Vu Gia nuôi người để lưu giữ trăm phả hệ, bởi làng Phiếm Ái được nhắc đến lần đầu tiên trong sách “Ô Châu cận lục” của Tiến sĩ Dương Văn An viết năm 1553. Đến đời ngoại tôi, tới đời tôi là lùi xa từ dấu mốc đó tận thế kỷ 20. Làng vẫn còn, tên làng vẫn giữ. Chỉ những bến sông đổi dời theo con nước lở bồi.

mot-ben-song-duoc-tai-hien..jpg
Một bến sông được tái hiện. ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Như bến sông chỗ xóm Nghĩa Nam cách đây mấy chục năm. Hồi má mới về làm dâu, cái bến cách nhà vài chục bước chân.

Theo lệ, hăm bảy hăm tám tết, má thường nấu nướng sửa soạn mâm cúng để cha chồng mang ra bến nước. Mong cầu bình an theo con nước và no đủ cho mùa màng bên sông. Thời đói kém đó, nhưng thứ má nhớ nhiều không phải con gà hay xôi chè trên mâm cúng, mà là bó bông cúc đất để lại chỗ bến. Má nói tiếc, nhưng bông cúng thì không mang về được. Nhiều người ra sông cúng, khói hương thơm lừng cả bến quê.

Đâu chừng chục năm sau, bờ sông lở dữ dội, nền nhà đó giờ chắc ở đoạn giữa sông. Cả xóm di dời vào sâu phía trong.

Bốn mươi năm trước, đó là bến để gánh nước lên đồng tưới rau, gánh về ăn uống, chỗ tắm giặt của cả xóm. Bến lở rồi, thời công điểm đói kém, người làng cũng thôi chuyện cúng bến, chỉ còn giữ tục cúng tá thổ. Cái bến xưa dấu tích bây giờ là bến ca-nô chỗ đoạn kè sông rộng nhất. Hiếm hoi tiếng cười nói và bóng người lên xuống, trừ bận đua ghe ra Giêng.

Qua hăm ba tháng Mười âm lịch, người làng đánh luống chuẩn bị đất trồng cúc. Cuối Chạp đầu Giêng, nhiều bãi biền ven sông đoạn ngoại, dì tôi làm đồng bừng lên màu đỏ của cúc đất. Hoa với tím, trắng, đỏ, hồng đủ màu, nhưng dường như cái sự rực lên đó, trong những chuyện ngoại kể, thường chỉ nhìn thấy ở quãng dọc đường xuống bến.

Hồi đó (và cả bây giờ), cây dâu được trồng để làm mốc ranh giới giữa các thửa đồng nà. Có nhiều gốc dâu to già chẳng rõ đã trụ qua biết bao mùa lụt. Cúc đất được gom lại chỗ gốc dâu, trước khi chất đầy thúng mủng, theo xe đạp, xe bò ra chợ. Hình như nhớ cái mùi nồng sương ẩm, mùi ngọt dịu hoa cúc ngoài bùng đó, mà năm nào dì cũng dành lại vài luống đất để trồng hoa. Đóa cúc đất trên đường ra bến sông ngày con gái của dì, giờ là những vạt hoa trong vườn nhà.

Nửa thế kỷ trước, ngoại của tôi gom góp đậu khoai rau dưa, xé mấy buồng cau chạy chợ tết. Trong quang gánh trở về, thể nào cũng dành ít tiền mua mớ cúc đất đặt lên bàn thờ cha mẹ, tổ tiên. Giờ đến lượt nội của con tôi. Tết về, kiểu gì thì cũng phải mua vài chục bông hoặc nhớ sớm thì dặn hàng xóm để dành một vạt. “Để chưng mấy ngày ông bà ở và cúng đất đưa ông bà ngày mùng 3” – má nói như kiểu dặn dò để giữ một nếp nhà…



Nguồn: https://baoquangnam.vn/mua-ngang-ben-cu-3148316.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available