Xu hướng số ngày nắng nóng của 7 vùng khí hậu trong 60 năm
Một ngày cuối tháng 5, mới 7h, nhiệt độ ngoài trời Hà Nội đã 35 độ C. Ông Hoàng Hải Nam, 50 tuổi, thợ điện, cùng các đồng nghiệp bắt đầu ngày làm việc từ hai tiếng trước hòng tránh cái nắng thiêu đốt giữa trưa. Nhưng đến 10h, hơi nóng từ mặt đường đã bốc lên hầm hập. Ông cảm nhận như đang làm việc dưới 40-50 độ C. Đôi mắt nóng rát.
“Nóng khủng khiếp, cứ như trong cái nồi hơi”, ông Hải than thở.
Hà Nội bước vào cái nắng đặc biệt gay gắt ngay từ đầu hè – chuyện không còn bất thường vài năm gần đây. Ngày 18/5, trạm khí tượng Hà Đông ghi nhận 41,3 độ C – mốc lịch sử của tháng 5 trong hơn 30 năm. Nhưng đây chưa phải mức nhiệt cao nhất cả nước. Trước đó, nhiều kỷ lục liên tiếp bị xô đổ. Trạm Hồi Xuân (Thanh Hoá) nóng 44,1 độ C ngày 6/5, cao nhất Việt Nam trong 65 năm. Ngay hôm sau, trạm Tương Dương (Nghệ An) lại lập đỉnh 44,2 độ C.
Mấy năm qua, mỗi khi mùa hè tới, guồng quay cuộc sống của ông Nam lại thay đổi. Ông rời nhà từ 4h sáng thay vì 7h, và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhanh nhất có thể. 15 năm làm thợ điện, ông cảm nhận rõ sự cực đoan của thời tiết thông qua khối lượng công việc lớn dần. Ngày nắng nóng, số cuộc gọi báo sự cố điện về tổng đài gấp 3-6 lần so với ngày thường.
“Nhiệt độ càng tăng, bọn tôi càng phải ra đường nhiều”, ông đúc kết, quệt mồ hôi chảy thành dòng trên trán. “Nắng kinh hoàng. Hình như ngày càng dài và gay gắt hơn”.
Ký ức của người đàn ông 50 tuổi về mùa hè của thập kỷ trước hiếm thấy những đợt nắng nóng “bất tận” và kiệt sức như mấy năm gần đây.
Dữ liệu tại trạm khí tượng Hà Đông (Hà Nội) từ thập niên 90 cho thấy, cả mùa hè chỉ vài ngày nắng nóng gay gắt (37-39 độ C). Đến tháng 8, Hà Nội vào thu. Số ngày nắng cực đoan chỉ tăng vọt vào 2004, 2010 – những năm có hiện tượng El Nino, kiểu khí hậu tăng nắng, giảm mưa, thường kéo dài 8-12 tháng và xuất hiện 3-4 năm một lần. Nhưng từ năm 2014, Hà Nội liên tục phải đối mặt với mùa hè trên 37 độ C, thậm chí lên tới 42,5 độ C.
Nhiệt độ leo thang còn diễn ra trên diện rộng ở miền Bắc và Trung. Mùa hè ngày càng dài hơn, gay gắt hơn, và liên tục lên nấc thang khắc nghiệt mới.
Cao điểm mùa hè thường rơi vào tháng 3-5 ở phía Nam, tháng 5-7 ở miền Bắc và Trung. Tuy nhiên, số liệu VnExpress thu thập tại 12 địa phương trên cả nước cho thấy, 30 năm qua, nhiều nơi ghi nhận các đợt nắng nóng ngoài quy luật này.
Nhiều địa phương xuất hiện các đợt nắng nóng ngoài quy luật
Cùng với mùa hè dài ra, số ngày nắng nóng (35 đến 37 độ C) có xu hướng tăng tại các trạm ở miền Bắc và Trung như Việt Trì (Phú Thọ), Hà Đông (Hà Nội), Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh. Số ngày nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt tăng rõ rệt từ năm 2017 đến nay. Trong khi đó, phía Nam dù có nền nhiệt trung bình năm cao nhất cả nước nhưng nắng nóng ít khi chạm mức gay gắt.
Số ngày
nắng nóng,
nắng nóng gay gắt,
nắng nóng đặc biệt gay gắt
tại 12 trạm khí tượng từ năm 1991 đến nay
Thống kê của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) cho thấy, nhiệt độ trung bình toàn cầu đang gia tăng. Việt Nam chung xu hướng này, tuy nhiên, tốc độ tăng nhanh hơn 38%, theo số liệu về mức chênh nhiệt độ giai đoạn 2006-2015 so với 20 năm trước đó.
Thời kỳ 2010-2019, Việt Nam có nền nhiệt trung bình cao nhất trong 60 năm. Số liệu từ các trạm quan trắc, 30% ghi nhận nhiệt độ cực đại mới. Trong đó, miền Trung là “chảo lửa” của cả nước. Ba kỷ lục nhiệt độ gần nhất đều nằm tại khu vực này.
Sống hơn 30 mùa hè ở “chảo lửa” Hương Khê (Hà Tĩnh), thập kỷ gần đây của vợ chồng bà Nguyễn Thị Báu (74 tuổi) là khắc nghiệt nhất. Mùa hè giờ “như ác mộng”, nắng không lối thoát.
Vợ chồng bà Báu và 4 đứa cháu đối mặt với chuỗi ngày vật lộn vì thiếu ngủ. Buổi trưa, nắng nung tường gạch nóng ran. Gốc cây vải trước nhà thành nơi “trú ẩn” của mấy bà cháu, nhưng cũng không thoát được cái nóng thiêu đốt của gió Lào. Tối đến, bà phải đặt một chậu nước trước quạt, nhưng nhiều hôm vẫn không đủ mát, bốn đứa trẻ thay nhau khóc, hai vợ chồng U80 thức trắng quạt tay cho các cháu ngủ.
Thế hệ của bà Báu hiếm khi phải chịu cái nắng này. Lên đây khai hoang từ năm 1990, bà cảm thấy dễ chịu trong hầu hết ngày hè. Cả gia đình 7 người trải chiếu giữa nhà, chỉ dùng quạt mo cau cũng ngủ tròn giấc. Nhưng từ năm 2010, bà cảm nhận rõ sức nóng thay đổi khi phải sắm cho mỗi phòng một quạt điện. Dù bật suốt đêm, mồ hôi vẫn nhễ nhại, miệng khô khốc vì khát nước. Giấc ngủ ngày càng ngắn lại, còn mùa hè dường như đang dài ra.
“Nghĩ đến cảnh nắng nóng mà tôi nổi gai ốc. Chỉ mong đừng hạn hán, khổ nhất là thiếu nước”, bà Báu hồi tưởng về năm 2020.
Khi ấy, dân Hà Tĩnh vừa trải qua một năm nắng kỷ lục lên đến 43,4 độ C, lại đối mặt với mùa hè dài chưa từng có – kéo dài gần hai tháng. Nhiệt độ ban ngày luôn 39-40 độ C. Sức nắng thiêu đốt khiến ruộng nẻ, giếng cạn, sông hồ “bay hơi”, cây trồng héo úa. Cơn khát của Hà Tĩnh lên tới đỉnh điểm.
Lần đầu tiên, giếng khoan và khe suối sau nhà bà cạn trơ đáy, “bói” không ra một giọt nước. Trong cái nắng khốc liệt nhất của tháng 6, vợ chồng bà thay nhau dậy từ 6h sáng, đi khắp thôn xin nước về nấu ăn, chiều lại đạp xe ra những ao hồ chưa cạn để tắm giặt. Lịch trình làm việc và nghỉ ngơi của nhiều nông dân Hà Tĩnh đảo lộn. Họ ra đồng từ đêm và về nhà vào sáng sớm, chạy đua “về đích” trước khi mặt trời thức giấc để trốn cái nóng thiêu đốt.
Tháng 4 vừa qua, Hà Tĩnh lại vào hè với nhiệt độ cao nhất lên 42 độ C, báo hiệu một mùa “nóng như sôi”. Bà Báu sợ thêm một mùa hè kỷ lục sẽ lại đẩy quê bà lên đỉnh hạn.
“Nắng nóng ngày càng trở nên dị thường và cực đoan hơn do những tác động của con người”, TS Chu Thị Thu Hường, giảng viên ngành Khí tượng và Khí hậu học, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đánh giá.
Hà Nội là điển hình. 10 năm trở lại đây, Thủ đô chứng kiến nhiệt độ cực đoan tương đương một số tỉnh Bắc Trung Bộ – nơi thường xuyên phải hứng chịu nắng nóng gay gắt do đặc điểm địa hình và tác động của gió Lào.
“Nếu không phải do biến đổi khí hậu, nền nhiệt của Hà Nội sẽ không cực đoan đến thế”, bà Hường lý giải.
Biến đổi khí hậu là hệ quả của quá trình con người phát thải các khí nhà kính (như CO2) ra môi trường. Nó như “tấm chăn” giữ bức xạ nhiệt của Trái Đất, thay vì phát xạ lên khí quyển, khiến nhiệt độ bề mặt và nhiệt độ không khí tăng cao, trời ngày càng nóng. Ở những thành phố như Hà Nội, nắng nóng càng khắc nghiệt khi bêtông hấp thụ và giữ nhiệt, gây nên hiệu ứng đảo nhiệt đô thị – tức mức nhiệt chênh lệch lớn giữa nội thành và ngoại ô. Các yếu tố này kết hợp với độ ẩm cao có thể khiến nhiệt độ cảm nhận cao hơn 3-5 độ C so với dự báo.
Ngoài ra, nền nhiệt độ có xu hướng tăng cao hơn vào những năm xảy ra El Nino. Sáu trong bảy thập kỷ vừa qua, năm nóng nhất trong mỗi thập kỷ đều có hiện tượng này. Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đánh giá, 93% khả năng 2023 sẽ là một trong 5 năm nóng nhất lịch sử.
Thống kê 30 năm qua, El Nino xuất hiện trong 12 năm, đi cùng số ngày nắng nóng dài bất thường. Như chu kỳ El Nino giai đoạn 2014-2016, Bắc và Nam Trung Bộ xảy ra đợt nắng kéo dài 42 ngày (năm 2014), tại Trung Trung Bộ là 35 ngày (năm 2015) và Nam Bộ 60 ngày (năm 2016).
Thời tiết được dự báo sẽ ngày càng leo thang trong những tháng tới khi nhiệt độ mùa hè lên đến đỉnh điểm, và hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện.
Bà Phạm Thị Thanh Ngà, Viện phó Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dự báo, năm nay nền nhiệt trung bình cả nước sẽ cao hơn nhiều năm khoảng 1 độ C, với các đợt nắng nóng bao trùm từ Hà Giang đến Thừa Thiên Huế. Mỗi đợt có thể kéo dài 5-7 ngày thay vì 3-5 ngày như thông thường.
Tuy nhiên, kể cả những năm không có El Nino, nắng nóng cũng đang trở nên khốc liệt. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cơ quan của Liên Hợp Quốc giám sát thời tiết và khí hậu, 2015, 2016 và 2017 là ba năm nóng nhất mọi thời đại. Trong đó, 2017 là năm không có hiện tượng El Nino. Dữ liệu 30 năm tại Việt Nam cũng cho thấy những điểm tương đồng.
30 năm qua, xu hướng số đợt nắng nóng tăng, kể cả năm không có El Nino
Không chỉ nắng nhiều, El Nino còn thường gây thâm hụt lượng mưa từ 25 đến 50% với xu hướng kéo dài tới 2024, theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia. Mưa giảm, nhưng lại cực đoan hơn và có thể xuất hiện những kỷ lục về lượng mưa trong 24 giờ. Ví dụ, năm El Nino 2015, Quảng Ninh xuất hiện đợt mưa kéo dài 10 ngày, lớn nhất trong 50 năm. Tác động kép từ nắng tăng, mưa giảm còn dẫn đến nguy cơ khô hạn trong các tháng mùa khô, như từng gây ra đợt hạn mặn kỷ lục trong hơn 100 năm vào 2020.
Xu hướng lượng mưa giảm vào các năm El Nino tại hầu hết địa phương
“Khả năng năm nay sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục mới về nhiệt độ”, ông Mai Văn Khiêm nói và cho biết xác suất 70-80% El Nino sẽ duy trì đến năm 2024.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng đưa ra cảnh báo 98% khả năng từ nay tới 2027 sẽ xuất hiện năm kỷ lục nóng nhất toàn cầu, vượt mốc 2016. “Sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu do con người gây ra, cùng hiện tượng El Nino trong những tháng tới sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng thấy”, Giám đốc WMO Petteri Taalas đưa ra cảnh báo hồi tháng 4.
Mùa El Nino ba năm trước, nhà bà Báu thiệt hại nặng nề. 3.000 m2 cam và bưởi không có thu hoạch, héo khô rồi chết. 2.000 m2 hoa màu và lạc cũng giảm năng suất, tiền thu về chỉ đủ lo giống và phân bón. Vợ chồng bà phải đi rừng chặt củi về bán kiếm gạo ăn, trong khi nhiều gia đình trong làng bỏ cấy lúa đi làm phụ hồ, bốc vác. Không riêng Hà Tĩnh, Tổng cục Phòng chống thiên tai thống kê cả nước thiệt hại 2.500 tỷ đồng do hạn hán và xâm nhập mặn.
Nắng nóng không chỉ giảm sản lượng nông nghiệp, mà còn làm “tan chảy” năng suất làm việc của con người. Mỗi năm, nắng nóng khiến thế giới “bốc hơi” 677 tỷ giờ làm việc, tương đương 2.100 tỷ USD, theo
nghiên cứu
năm 2022 của Đại học Durham (Mỹ). Ngành nghề ảnh hưởng nhiều nhất là nông nghiệp và xây dựng.
Việt Nam không có số liệu về người lao động làm ngoài trời. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê năm 2021, Việt Nam có 18,5 triệu lao động thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và xây dựng. Đây là nhóm có nguy cơ chịu tác động lớn nhất của nắng nóng.
Thiệt hại sẽ ngày càng tăng khi nhiệt độ tiếp tục leo thang trong 80 năm tới, có thể gấp 7-10 lần giai đoạn 1998-2005, theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự báo nền nhiệt từ nay đến năm 2099
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu, cư dân đô thị và người có thu nhập thấp sẽ là nhóm chịu tác động lớn nhất bởi nắng nóng cực đoan. Người thành phố ngày càng phụ thuộc vào các công nghệ làm mát như điều hòa. Đây trở thành “chiếc hộp tiện nghi” của con người, nhưng đồng thời đẩy nhiệt độ vào vòng luẩn quẩn theo hướng cộng hưởng và tịnh tiến đi lên. Hệ quả là thời tiết ngày càng cực đoan hơn.
Những người không thể tiếp cận điều hòa là nhóm dễ bị tổn thương nhất, buộc phải chịu đựng sự gia tăng nhiệt độ cộng hưởng của cả thành phố, theo sau là nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe và bệnh tật kéo dài. Tuy nhiên, ông cho rằng về lâu dài tất cả đều sẽ là nạn nhân.
“Nắng nóng chỉ là khởi đầu. Chúng ta đưa khí thải vào bầu khí quyển, thứ ta nhận lại sẽ là thiên tai”, ông cảnh báo.
Nội dung: Thu Hằng – Gia Chính – Đức Hùng – Việt Đức
Đồ hoạ: Hoàng Khánh – Thanh Hạ
Về dữ liệu:
– Năm El Nino được thống kê theo
NOAA. Với các năm cùng xuất hiện El Nino, La Nina, trung tính, thống kê lựa chọn theo pha kéo dài lâu hơn. Ví dụ năm 2016 có cả ba hiện tượng El Nino (T1 đến T4), trung tính (T5 đến T7) và La Nina (T8-T12) thì được coi là năm La Nina. Nếu thời gian cả ba pha trong một năm bằng nhau là năm trung tính.
– Cả nước hiện có 150 trạm khí tượng, VnExpress chọn 12 trạm khí tượng để đánh giá xu thế thời tiết theo 10 vùng: Tây Bắc Bắc Bộ (Lai Châu); Việt Bắc Bắc Bộ (Phú Thọ); Đông Bắc Bắc Bộ (Hải Phòng); Đồng bằng Bắc Bộ (trạm Hà Đông, Hà Nội); Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh); Trung Trung Bộ (Đà Nẵng); Nam Trung Bộ (Nha Trang); Tây Nguyên (Pleiku); Đông Nam Bộ (TP HCM, Vũng Tàu); Tây Nam Bộ (Cần Thơ).
– Dữ liệu của 7 vùng khí hậu được lấy từ Báo cáo Đánh giá Khí hậu Quốc gia năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cập nhật đến năm 2018).
– Bài viết được thực hiện với sự tư vấn của các chuyên gia trong bài và ông Lê Đình Quyết (Đài Khí tượng Thuỷ văn Nam Bộ); Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.
– Dữ liệu dự báo nền nhiệt giai đoạn 2016-2035 được lấy từ Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016; giai đoạn từ 2045 đến 2099 được lấy từ phiên bản cập nhật năm 2020 của kịch bản này.