Là người đang thực chiến trong lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo), chị Phạm Vân Anh, chuyên gia AI trainer của startup Unikon cho biết, một số khoá học về lĩnh vực này, bất kể giá thành bao nhiêu, đều mang lại rất ít ích lợi cho người học. VietNamNet xin gửi đến bạn đọc bài viết của chị.
ChatGPT mới được OpenAI cho ra mắt vào tháng 11/2022. Sau hơn 1 năm, cuộc đua giữa các ông lớn với sự ra đời của hàng loạt các công cụ AI đã chứng minh nó không chỉ là một cơn sốt, mà là xu hướng tất yếu, một công cụ sẽ ngày càng được ứng dụng rộng khắp trong tất cả lĩnh vực.
Nhu cầu đi học để sử dụng, tận dụng tối đa công cụ này là hoàn toàn chính đáng và ngày càng tăng cao. Một phần để tăng hiệu suất công việc, nhưng một phần lớn, theo tôi, là để không bị đào thải khi ngày càng nhiều việc có thể được thay thế bởi AI. Bạn hoặc phải trở thành người sử dụng công cụ, hoặc sẽ bị công cụ thay thế.
Ở Việt Nam, với truyền thống tư duy nhanh nhẹn, sáng tạo, tôi đã thấy gần như ngay lập tức bùng lên hai loại hình dịch vụ là tạo tài khoản GPT và đào tạo sử dụng ChatGPT. Các khóa học rộ lên ban đầu có giá thành khá rẻ, chỉ từ 500.000 – 1.000.000 đồng cho vài buổi học online, với quà tặng kèm là 5000 câu “prompt” (câu lệnh cho ChatGPT).
Theo những thông tin trên mạng và được bạn bè chia sẻ, hiện nay đã có nhiều khóa học có giá thành lên tới 10 triệu đồng. Nhưng với tư cách là người đang “thực chiến” trong lĩnh vực AI, tôi gần như chắc chắn các khóa học này, bất kể giá thành bao nhiêu, đều mang lại rất ít ích lợi cho người học.
Nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ người dạy. Theo quan sát của tôi, rất ít người mở lớp đào tạo về AI là người có bằng cấp, được đào tạo chính quy về lĩnh vực này. Phần lớn các lớp do những người làm trong ngành content marketing (nội dung tiếp thị) mở. Có lợi thế là nhanh nhạy với công nghệ mới, sử dụng ngôn ngữ tốt và số lượng người theo dõi sẵn, họ nhanh chóng bắt được nhu cầu và mở hàng loạt các khóa dạy về AI. Chính vì vậy, kiến thức giá trị nhất về AI mà bạn có thể được học trong các khóa này chắc hẳn sẽ là 5.000 câu prompt mẫu. Thực chất bạn vẫn không hiểu gì về AI, nhiều khả năng cũng không ứng dụng được AI trong công việc cá nhân.
Nguyên nhân thứ hai bắt nguồn từ người học. ChatGPT hay các công cụ AI khác hiện nay, như Gemini, Midjourney… đều được thiết kế cực kỳ thân thiện với người dùng, chỉ cần bạn biết tiếng Anh ở mức cơ bản. Vì thế, thứ mà những người có nhu cầu học về AI thiếu nhất không phải là mấy bài vỡ lòng AI là gì, tạo tài khoản như thế nào, dùng như thế nào… Thứ họ thiếu nhất, mà không có khóa nào dạy, đó là nền tảng của công nghệ AI, nó được sinh ra như thế nào, bản chất là gì, tiềm năng ứng dụng…
Quay lại câu chuyện “cho cần câu hay cho con cá”, nếu muốn ứng dụng được AI trong công việc ở mức tối đa, bạn cần phải biết cách họ làm ra cái cần câu, trong khi các khóa học ở Việt Nam hiện nay còn chưa đạt đến mức trao cho bạn con cá.
Để ứng dụng được AI ở mức độ cơ bản, đáp ứng nhu cầu tăng hiệu suất công việc cá nhân, bạn cần tăng khả năng ngôn ngữ và tư duy logic – những “kênh giao tiếp” với AI. Bạn càng mô tả được chính xác yêu cầu của mình là gì, thì kết quả AI trả về sẽ càng thỏa mãn mong muốn của bạn. Các công cụ AI đều được thiết kế là những “trợ lý cá nhân”, có trách nhiệm đưa ra câu trả lời và hướng dẫn cho người dùng, nên bạn có thể hỏi thẳng ChatGPT, Gemini… cách sử dụng chúng hiệu quả.
Mặt khác, với những đề bài khó như ứng dụng AI trong quản lý nhân sự, tuyển dụng, trong chiến dịch marketing cụ thể, trong kế toán…. thì ít nhất cần có sự phối hợp giữa một lập trình viên (coder), một người giỏi chuyên môn trong lĩnh vực này và một prompter (người chuyên viết lệnh cho AI) – hai người sau hoàn toàn có thể là một, tốt nhất nên là một. Ai cũng có thể và nên trở thành một prompter.
Để có thể sử dụng tốt AI trong công việc, bạn cần: rèn giũa để hiểu càng rõ về chuyên môn của mình càng tốt; nâng cao khả năng ngôn ngữ và tư duy logic (bạn có thể ra lệnh cho AI bằng ngôn ngữ gì cũng được, nhưng do bản chất của ngữ pháp tiếng Việt khá lỏng, nên nếu bạn không phải là một người giỏi tiếng Việt, nhiều khả năng AI sẽ hiểu sai câu lệnh của bạn); thực hành: như bất cứ công cụ nào khác, khi bạn giao tiếp càng nhiều với AI, bạn sẽ càng dùng nó nhuần nhuyễn.