Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.
Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc và là ngày hội lớn của các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước thời gian qua.
Tham dự hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương – Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Thị Thanh Trà.
Dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương..; đặc biệt là sự hiện diện của 700 điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước.
Lời hiệu triệu truyền cảm hứng yêu nước
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Minh Chính nêu rõ: Cách đây 75 năm, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Người chỉ rõ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi…”.
Lời kêu gọi của Bác như lời hiệu triệu non sông, đã cổ vũ, truyền cảm hứng, động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, có nhiều sáng kiến, cải tiến trong lao động, sản xuất và chiến đấu, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó đến nay, thi đua yêu nước đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp từ miền xuôi đến miền núi, biên giới, hải đảo; từ thành thị tới nông thôn với sự tham gia tích cực của người dân, từ các cụ già cho đến các cháu nhỏ và đạt được những kết quả to lớn, rất đáng trân trọng. Đây là một động lực quan trọng để cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, những phong trào thi đua đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn cách mạng của nhân dân ta. Qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tại hội nghị hôm nay, có 700 đại biểu điển hình tiên tiến – những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của phong trào thi đua yêu nước, là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi lĩnh vực, trên mọi miền của Tổ quốc. Những điển hình tiên tiến dù ở độ tuổi, cương vị nào, ngành nghề nào đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vì lợi ích của quốc dân đồng bào; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì cộng đồng, vì xã hội. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng, còn có rất nhiều tấm gương thầm lặng khác đang ngày đêm đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực cho đất nước ở tất cả lĩnh vực, trong mọi tầng lớp nhân dân và đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Nhấn mạnh trong bối cảnh đất nước đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để làm tốt hơn nữa lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, thấm nhuần sâu sắc tinh thần “càng khó khăn thì càng phải thi đua”, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân; gắn công tác thi đua, khen thưởng với thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành, địa phương và các đoàn thể cần tiếp tục phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước có trọng tâm, trọng điểm, gắn với giải quyết các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao năng lực cán bộ thực thi; bảo đảm thực chất, thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tránh hình thức, phô trương, tránh tiêu cực, lợi dụng thi đua, khen thưởng vào mục đích cá nhân, lợi ích nhóm.
Cùng với đó, có các hình thức phù hợp để động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua; tập trung làm tốt công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, thực chất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, với các điển hình tiên tiến, luôn giữ vững tinh thần, nhiệt huyết, tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng và xã hội, cho Tổ quốc và cho nhân dân. Thực sự là những tấm gương sáng cho mọi người học tập, như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
“Để đạt được thành công, sự tôn vinh đã khó, nhưng giữ được danh hiệu, lòng yêu mến còn khó hơn rất nhiều. Mỗi điển hình tiên tiến là một bông hoa tỏa sáng, tỏa hương về tinh thần, đạo đức, ý thức trách nhiệm và sự tận tâm, tận lực cống hiến. Tôi mong rằng, hương sắc đó sẽ tỏa ngát trong cộng đồng, lan tỏa, truyền cảm hứng về những điều tốt đẹp”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, sáng tạo, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục, nêu gương, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, xã hội. Thêm mỗi việc làm tốt, mỗi nghĩa cử cao đẹp sẽ góp phần thiết thực để xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta, xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Chung quyết tâm cống hiến
Tại hội nghị, chương trình giao lưu “Theo lời Bác gọi” được làm theo hình thức sân khấu hóa đã giới thiệu nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực, như: Giáo sư Nông học, Anh hùng Lao động Võ Tòng Xuân và ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp số Bình Phước – những người luôn đau đáu đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển, triển khai số hóa trong nông nghiệp, sản xuất xanh, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân; Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu, dân tộc K’Ho (tỉnh Lâm Đồng) – hơn 60 năm tâm huyết giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa cồng chiêng của cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên; Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn – người thầy giáo mẫu mực đã khởi xướng nhiều phong trào có sức lan tỏa, truyền cảm hứng đối với các thế hệ học sinh, sinh viên, tiêu biểu là phong trào “Nghìn việc tốt”; bà Trần Thị Kim Thia (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), bán vé số, đã có hơn 20 năm dạy bơi miễn phí cho hơn 5.000 trẻ em.
Chương trình giao lưu cũng được nghe chia sẻ của những cá nhân dũng cảm không quản ngại hiểm nguy vì sự an toàn của nhân dân, của cộng đồng. Đó là các bác sĩ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, những chiến sĩ lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; những cá nhân trên mặt trận phòng, chống tham nhũng…; cùng những người bao năm qua vẫn miệt mài đổ mồ hôi, công sức không chỉ vì thành tích cá nhân mà còn vì niềm vinh quang của đất nước, như: Vận động viên môn điền kinh Nguyễn Thị Oanh; huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Mai Đức Chung…
Chương trình giao lưu “Theo lời Bác gọi” đọng lại những câu chuyện sâu lắng và tinh thần quyết tâm lao động, cống hiến như lời chỉ dạy của Bác: “Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”.
Tại hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc lần này, đã có 75 gương điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) là một trong 75 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Thành phố Hà Nội có 8 cá nhân tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc lần này, gồm: Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (thế danh Đặng Minh Châu), Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội; Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội; ông Lê Đình Duật, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân; bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau hữu cơ ứng dụng CNC Cuối Quý, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng; ông Lý Văn Phủ, nguyên Trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì; em Lê Hà My, học sinh lớp 12 sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.