Tôi vừa phát hiện có khối u não khoảng 6 cm. Bác sĩ ở bệnh viện tôi thăm khám khuyên tôi nên mổ sớm.
Tôi lo lắng mổ để lại di chứng, bị liệt và trở thành người thực vật. U não có chữa được không? Mổ khối u có nhiều rủi ro như tôi lo lắng không thưa bác sĩ? (Thanh Trình, 43 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Nhiều bệnh nhân u não có cùng tâm trạng lo lắng như u não có chữa được không, tiên lượng bệnh thế nào, cách điều trị u não ra sao, có di chứng để lại không… U não là bệnh lý nguy hiểm, có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như dùng thuốc trúng đích, xạ trị, hóa trị, phẫu thuật… Mức độ thành công tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, liên quan đến kỹ thuật điều trị, tính chất, vị trí, kích thước, mức độ phát triển và di căn của khối u, khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh…
Hiện nay, phẫu thuật u não là một trong những phương pháp điều trị u não phổ biến nhất. Khối u của anh 6 cm là lớn, nếu bác sĩ nơi anh đang khám tư vấn nên mổ thì có nghĩa khối u phù hợp với phương pháp điều trị phẫu thuật. Tùy tình trạng thực tế của khối u, với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại, bác sĩ có thể phẫu thuật lấy toàn bộ khối u. Hoặc bác sĩ có thể loại bỏ một phần khối u, càng nhiều càng tốt, tránh làm tổn thương các mô não lành xung quanh. Sau phẫu thuật, dựa vào kết quả sinh thiết, có thể điều trị phối hợp xạ trị, hóa trị tiếp theo (nếu cần).
Khối u não lớn nếu để lâu có thể tăng kích thước, gây khó khăn cho cuộc mổ và tăng nguy cơ để lại di chứng. Phẫu thuật u não thường đòi hỏi trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ y bác sĩ. Tuy vậy, nếu áp dụng các kỹ thuật, máy móc cũ, nguy cơ có thể để lại di chứng sau mổ như yếu liệt các chi, suy giảm thị giác, khó nói, tụ dịch máu não, thậm chí tàn phế, tử vong… do làm tổn thương các dây thần kinh và mô não lành trong quá trình mổ.
Các kỹ thuật mổ hiện đại giúp tăng tỷ lệ thành công khi lấy khối u, hạn chế tổn thương các mô não lành và các bó sợi thần kinh xung quanh. Hiện nay có hệ thống robot mổ não Modus V Synaptive ứng dụng trí tuệ nhân tạo có nhiều ưu điểm hơn so với các phương pháp mổ não truyền thống.
Khác biệt mà robot này mang lại là cho phép các bác sĩ thấy rõ toàn diện các bó dẫn truyền thần kinh và khối u trên cùng một hình ảnh 3D nhờ khả năng hòa hình MRI, DTI, CT, DSA… Bác sĩ còn có thể mổ mô phỏng 3D trên phần mềm chuyên dụng, chọn đường tiếp cận khối u an toàn trước khi mổ chính thức, tránh phạm vào các dây thần kinh. Robot còn cảnh báo bằng các tín hiệu đèn xanh, vàng, đỏ như đèn giao thông trong cuộc mổ thực tế để đường mổ chính xác, tránh đi lệch.
Hệ thống robot mổ não này được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trang bị và đưa vào hoạt động trong thời gian gần đây. Các bác sĩ đã thành công trong các ca mổ u não ở vị trí khó, giúp người bệnh hồi phục nhanh và giảm tối đa di chứng sau mổ.
Nếu độc giả có thắc mắc về bệnh thần kinh cần giải đáp, có thể gửi câu hỏi tại đây.
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ
Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM