Campuchia đang chủ động mở rộng mối quan hệ quốc tế ở nhiều khu vực, từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ Latinh và châu Phi.
Chuyến công du tới Trung Quốc ngày 14/9/2023 là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức của Thủ tướng Hun Manet. (Nguồn: AP) |
Đa dạng hóa quan hệ
Sự kiện ông Hun Manet kế nhiệm cha mình là cựu Thủ tướng Hun Sen năm 2023 mở ra một giai đoạn mới trong nền chính trị Campuchia, đánh dấu sự xuất hiện của thế hệ lãnh đạo trẻ đầy nhiệt huyết. Sự thay đổi này cũng đi kèm với điều chỉnh trong chính sách ngoại giao, nhằm đa dạng hóa quan hệ với các quốc gia và giảm thiểu rủi ro kinh tế.
Dưới thời cựu Thủ tướng Hun Sen, chính sách đối ngoại tập trung vào mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, với sự phụ thuộc lớn vào viện trợ và đầu tư của nước này để phát triển kinh tế.
Thủ tướng Hun Manet nay phải đối mặt với thách thức đa dạng hóa chính sách đối ngoại, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc đồng thời vun đắp mối quan hệ với các quốc gia khác. Mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa lợi ích quốc gia và ổn định kinh tế, giảm sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ quốc gia nào.
Sự ổn định kinh tế là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tin tưởng, uy tín của chính phủ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, với sự suy giảm của kinh tế toàn cầu và các vấn đề trong chuỗi cung ứng, Campuchia cần phải giảm thiểu rủi ro bằng cách đưa ra các chiến lược mới nhằm đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế.
Ngành xây dựng và du lịch Campuchia đã trải qua một thập kỷ tăng trưởng bùng nổ, chủ yếu nhờ dòng vốn đầu tư và du khách từ Trung Quốc. Hai lĩnh vực này đóng vai trò trụ cột chiến lược cho nền kinh tế Campuchia, với tỷ lệ đóng góp vào GDP lần lượt là 9% và 21% trước đại dịch. Tuy nhiên, sự sụt giảm của thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro do gánh nặng nợ nần gia tăng, đồng thời, sự suy giảm niềm tin tiêu dùng của người Trung Quốc sẽ tiếp tục kìm hãm chi tiêu du lịch.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào tháng 11/2023, nền kinh tế Campuchia đang đối mặt với nhiều thách thức. Những yếu tố gây cản trở cho tăng trưởng kinh tế bao gồm hạ tầng hậu cần và vận tải vẫn còn yếu kém, cùng với nguồn cung cấp năng lượng không ổn định.
Thúc đẩy cam kết ngoại giao
Các nhà lãnh đạo Campuchia đang tập trung vào việc mở rộng thị trường và đa dạng hóa quan hệ kinh tế thông qua hoạt động ngoại giao. Trong 6 tháng đầu tiên sau khi nhậm chức, chính phủ của Thủ tướng Hun Manet đã thực hiện hàng loạt cam kết ngoại giao với các đối tác ở mức độ chưa từng có. Những nỗ lực này không chỉ phá vỡ nhận thức về Campuchia là “quốc gia khách hàng” của Trung Quốc mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc đa dạng hóa thị trường, qua đó thúc đẩy đầu tư và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Đồng thời, chính phủ của Thủ tướng Hun Manet cũng chủ động hợp tác với hơn 10 quốc gia, mở ra các mối quan hệ ngoại giao mới với Antigua và Barbuda, Liechtenstein, Uganda, Georgia, Canada và Hà Lan. Trong thời gian này, các dự án đầu tư vào Campuchia có tổng giá trị lên đến 1,39 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2024, tăng khoảng 500% so với cùng kỳ năm 2023. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Campuchia-Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích và thu hút các nguồn đầu tư này.
Nhà máy General Tire Technology tại Đặc khu kinh tế Sihanoukville, Campuchia. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Nền ngoại giao Campuchia đang có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua sự tham gia năng động hơn vào các hoạt động quốc tế trên nhiều khu vực. Về mặt nội bộ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của ông Hun Manet. Trên bình diện quốc tế, Campuchia hướng tới một vai trò ngoại giao linh hoạt và phù hợp với bối cảnh địa chính trị luôn thay đổi.
Nỗ lực ngoại giao của chính quyền hiện tại cho thấy một số tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để các hoạt động ngoại giao này ngày càng hiệu quả, cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ngoại giao và cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Khi thực hiện tốt những điều này, Campuchia có thể khai thác tối đa tiềm năng của ngoại giao và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.