Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang được coi là cú đột phá nâng quan hệ hai nước lên một tầm mới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến New York ngày 20/6, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ. (Nguồn: Twitter) |
Lâu nay, Washington và New Dehli thường miêu tả nhau như “đồng minh tự nhiên”, ca ngợi nhau bằng những mỹ từ “hai nền dân chủ lâu đời và lớn nhất thế giới”. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Ấn luôn bị dư luận coi là “thiếu lửa”, thậm chí là nhiều sóng gió.
Trong khi Washington thường xuyên chỉ trích New Delhi về vấn đề nhân quyền, sẵn sàng bán máy bay chiến đấu F-16 cho đối thủ của Ấn Độ là Pakistan, thì Ấn Độ lại gắn kết với Nga, trở thành khách hàng vũ khí lớn của Nga. Chẳng những duy trì quan điểm trung lập trong xung đột Nga-Ukraine, Ấn Độ còn tăng mua dầu lửa của Nga, giúp Moscow giảm bớt tác động từ lệnh cấm vận của phương Tây.
Tất nhiên là Washington không hài lòng nhưng với Mỹ, không có đối tác châu Á nào quan trọng hơn Ấn Độ trong chiến lược chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vì thế, Washington luôn tìm cách lôi kéo New Delhi về phía mình, với mục tiêu tăng cường ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh, đồng thời tách dần New Dehli khỏi quan hệ với Moscow, nhất là trong lĩnh vực quân sự.
Nhiều “miếng mồi” đã được Washington đưa ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi lần này. Trong đó, hấp dẫn nhất có lẽ là các thỏa thuận trong lĩnh vực quân sự, như việc Mỹ sẽ cung cấp cho Ấn Độ động cơ F414 để lắp cho loại máy bay quân sự hạng nhẹ Tejas Mk2 của Ấn Độ, là hợp đồng Mỹ bán cho Ấn Độ mua 30 máy bay không người lái hiện đại MQ 9B Predator…
Nhưng nhìn vào lịch sử, Ấn Độ là nước luôn đi đầu trong phong trào không liên kết. Dù tăng cường hợp tác với Mỹ, thậm chí là sẵn sàng nâng tầm quan hệ, tham gia các liên kết mới như nhóm “Bộ tứ”, nhóm “I2U2” cùng với Mỹ, nhưng khó có việc Ấn Độ xa rời truyền thống vốn có, đánh mất bản sắc độc lập trong chính sách đối ngoại của mình.