Hãng dược Merck và GSK thông báo thiếu vaccine sởi, chỉ đủ để cung ứng cho chương trình tiêm chủng công cộng, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh.
Báo cáo từ hai hãng dược được công bố trên website về tình trạng thiếu thuốc của Bộ Y tế Canada, cập nhật mới nhất ngày 22/3. Theo đó, Merck cho biết vaccine chỉ đủ cho chương trình tiêm chủng công cộng, tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài đến 19/4. Còn GSK nói các mũi tiêm không có sẵn cho thị trường tư nhân, chưa dự báo được thời điểm có đủ nguồn cung vaccine.
Các công ty không đưa ra thông tin về số lượng bị thiếu. Ngoài ra, Merck báo cáo thiếu mũi kết hợp ngừa thủy đậu và sởi, từ 22/3 đến 19/4.
Vaccine được sử dụng ở Canada là MMR, tức là loại kết hợp phòng quai bị, sởi, rubella trong một lần tiêm. Khi tiêm hai mũi, vaccine có hiệu quả phòng bệnh gần 100%.
Tuần trước, hai công ty đã dự báo tình trạng thiếu hụt do nhu cầu tăng lên. GSK ghi nhận nhu cầu tiêm chủng trên toàn cầu đã vượt quá khả năng cung ứng.
“Vaccine MMR rất phức tạp, khó mở rộng quy mô sản xuất khi có nhu cầu cấp thiết. Chúng tôi dự đoán tình trạng này sẽ diễn ra trong suốt năm 2024 và 2025”, đại diện GSK cho biết.
Trả lời báo chí, Bộ Y tế Canada khẳng định có đủ vaccine để duy trì tiêm chủng công cộng và tăng cường. Sự thiếu hụt chỉ xảy ra ở tiêm chủng dịch vụ, chiếm một phần rất nhỏ trong tổng nhu cầu.
Cơ quan này cũng cho biết Merck và GSK đã tư vấn về khả năng cung ứng MMR, đồng thời hợp tác chặt với các nhà sản xuất, tỉnh và vùng lãnh thổ và các bên liên quan để theo dõi thêm.
Canada đã tuyên bố loại trừ bệnh sởi vào năm 1998 sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm chủng diện rộng. Đến đầu tháng 3/2024, giới chức ghi nhận 26 ca mắc và một ca rubella, tăng cao so với năm 2023. Nhiều chuyên gia cho biết tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh là lý do chính khiến bệnh sởi quay lại nước này.
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng ghi nhận các ca nhiễm tăng lên. Mỹ có 64 ca mắc từ đầu năm 2024 đến ngày 21/3; Anh có 789 ca mắc, tính từ ngày 1/10/2023 đến 21/3; Philippines có 569 ca mắc sởi và rubella tính đến ngày 24/2.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ tái phát bệnh sởi năm 2024-2025, dựa trên thống kê số ca mắc của năm 2023. Theo báo cáo của WHO, châu Âu năm 2023 ghi nhận hơn 300.000 ca mắc, tăng hơn 30 lần so với năm 2022; khu vực Tây Thái Bình Dương có số mắc tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023. Số liệu của 3 tháng đầu năm 2024 chưa được công bố.
Chi Lê (Theo Global News, CBC)