Vừa học đại học vừa lo không biết “tiền đâu để ăn học”
Vàng Thị Lía là người dân tộc Mông, nhà ở xã Lũng Pù (H.Mèo Vạc) năm nay đã trở thành tân sinh viên ngành ngôn ngữ Anh (Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên). Trọ học xa nhà, đủ thứ phải chi tiêu nhưng mỗi tháng bố mẹ Lía chỉ có thể gom góp, vay mượn gửi cho con nhiều nhất là 1 triệu đồng, còn bình quân là 500.000 đồng, thậm chí có tháng chỉ có 300.000 – 400.000 đồng.
Những tháng đầu tiên xa nhà, chưa thể làm thêm việc gì, Lía tâm sự nhiều lúc cảm thấy hoang mang, không biết mình có thể để tiếp tục “bám trụ” để học và tốt nghiệp ra trường được không…
Chảo Thị Xuân, người dân tộc Dao, đến từ Xã Xín Cái (H.Mèo Vạc) thì tâm sự: “Em là con thứ 7 trong gia đình có 9 anh chị em; bố mất sớm, hiện một mình mẹ em làm nông để nuôi các con. Khi em đỗ đại học, chị cả trong gia đình dù đã đi lấy chồng vẫn động viên em đi học và hỗ trợ em mỗi tháng 2 triệu đồng từ lương giáo viên mầm non vốn đã rất hạn hẹp của mình”.
Đó là câu chuyện của 2 trong số 9 sinh viên là đồng bào dân tộc ở H.Mèo Vạc về Hà Nội hôm 25.11, để dự lễ ký kết và nhận học bổng của dự án mang tên “Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho H.Mèo Vạc” mà Trường Marie Curie là “nhà đầu tư”.
Chảo Thị Xuân chia sẻ với PV Thanh Niên, khi chị gái em gọi điện báo tin đã có nhà hảo tâm sẽ tài trợ ít nhất 5 triệu đồng/tháng để em ăn học, em dường như không tin vào tai mình, mừng đến rơi nước mắt.
“Học xong chắc chắn em sẽ quay về Mèo Vạc làm giáo viên tiếng Anh. Hồi em đi học phổ thông, do huyện không có giáo viên nên đến lớp 6 em mới được học tiếng Anh. Em đã ấp ủ ước mơ sau này trở thành giáo viên dạy tiếng Anh cho các em nhỏ ở quê mình. Nay em càng có thêm quyết tâm và động lực để biến ước mơ đó thành hiện thực”, Xuân nói.
Còn Vàng Thị Lía bày tỏ: “Em rất biết ơn dự án này đã tạo điều kiện cho chúng em có cơ hội theo đuổi ước mơ, không chỉ giúp gia đình em về tài chính mà còn là nguồn động lực lớn lao giúp em phải quyết tâm học, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại tốt để chắc chắn sẽ trở về làm cô giáo dạy học ở quê hương Mèo Vạc”.
“Thầy sẽ coi các con như con cháu trong nhà”
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, chia sẻ dự án dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc mà ông và Trường Marie Curie thực hiện từ năm 2022 sẽ kết thúc vào năm 2025, khi lứa học sinh này tốt nghiệp tiểu học. “Tôi trăn trở làm thế nào để giúp Mèo Vạc có giải pháp giải quyết tận gốc về giáo viên chứ không phải “ăn bữa nay, lo bữa mai” do không có giáo viên tiếng Anh như hiện nay”, ông Khang nói.
Do vậy, Hiệu trưởng Trường Marie Curie đã đề xuất với ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mèo Vạc, về việc sẽ phối hợp để hỗ trợ đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện với hình thức cử tuyển kết hợp xã hội hóa.
Huyện sẽ lo tìm học sinh là con em tại địa phương, có đủ điều kiện để trúng tuyển vào các trường đại học đào tạo ngôn ngữ Anh, bố trí cho các em về dạy học tại các trường trên địa bàn huyện sau khi ra trường. Trường Marie Curie sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, ăn ở cho các em.
Trong biên bản cam kết mà các bên đã ký, mức hỗ trợ tối thiểu là 5 triệu đồng/em/tháng (bắt đầu từ tháng 12 năm nay). Mức này có thể tăng lên đến 10 triệu đồng/tháng, phụ thuộc vào thành tích học tập của các em. Số học bổng này được chuyển từng tháng vào tài khoản của các em.
Theo cam kết, Trường Marie Curie sẽ hỗ trợ đào tạo 30 giáo viên cho H.Mèo Vạc trong khuôn khổ dự án này; tổng dự tính kinh phí cho toàn bộ dự án từ 6 – 12 tỉ đồng.
Ông Khang xúc động nhắn nhủ các sinh viên có mặt tại buổi lễ: “Mong các con cố gắng học tập để có kết quả tốt nhất trong khả năng của mình. Sau khi tốt nghiệp, các con sẽ trở về quê hương của mình, cùng các thầy cô giáo hiện nay dạy dỗ các em học sinh của huyện. Từ nay, thầy sẽ coi các con như con trong nhà và trách nhiệm làm cha phải lo cho các con mình ăn học. Các con đã trở thành một thành viên của gia đình Marie Curie”.
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND H.Mèo Vạc, cho biết lãnh đạo huyện rất vui mừng và đặc biệt trân trọng sự hỗ trợ của Trường Marie Curie; cam kết sẽ thực hiện đúng trách nhiệm trong việc đề xuất danh sách sinh viên được nhận học bổng đúng đối tượng nhất và đón nhận, bố trí việc làm phù hợp khi các em tốt nghiệp trở về.
Mong lan tỏa mô hình để giúp vùng khó bớt khó
Chứng kiến lễ ký kết, lắng nghe tâm sự của các thầy trò, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, bày tỏ sự xúc động và cảm ơn khi nhận được sự hỗ trợ của một trường học ở Hà Nội vì công việc chung của toàn ngành. “Thầy Khang đã kể lại hành trình hỗ trợ giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc một cách rất giản dị, nhưng thực tế đã giúp giải cho Hà Giang bài toán khó khăn nhất trong thời điểm khởi đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình còn cho biết, nhờ mô hình hỗ trợ dạy tiếng Anh cho Mèo Vạc của Trường Marie Curie mà năm học này, Sở GD-ĐT Lâm Đồng và một tổ chức thiện nguyện ở TP.HCM đã biết đến, chủ động giúp dạy tiếng Anh cho các địa bàn khó khăn nhất của Hà Giang.
Chắc chắn trong thời gian tới, mô hình hỗ trợ của Trường Marie Curie sẽ được chính quyền và ngành GD-ĐT Hà Giang áp dụng, nhân rộng để trở thành chủ trương của chính quyền địa phương, tạo được đội ngũ nhà giáo là người tại địa phương, được đào tạo bài bản để trở về tiếp tục sinh sống, cống hiến cho địa phương. “Như vậy, tính bền vững trong phát triển của giáo dục ở vùng khó khăn như Hà Giang mới được hiện thực hóa”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, chia sẻ lãnh đạo sở đã theo dõi rất sát và đánh giá rất cao những dự án vì cộng đồng của Trường Marie Curie cho H.Mèo Vạc; đặc biệt là dự án dạy tiếng Anh cho học sinh mà nhà trường triển khai rất hiệu quả trong năm học vừa qua và giải pháp căn cơ, giúp giải quyết dứt điểm, lâu dài tình trạng thiếu giáo viên của Mèo Vạc sắp tới.
Ông Tuấn tin tưởng, hy vọng việc làm của Trường Marie Curie tới đây sẽ góp phần lan tỏa, được nhân rộng đến các trường học khác trên địa bàn TP.Hà Nội, để nhiều địa phương còn khó khăn khác trên cả nước nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng.