Ghi lại nhật ký ăn uống, đi bộ sau ăn, không bỏ bữa sáng, chọn chất béo lành mạnh giúp lượng đường trong máu duy trì ổn định sau mỗi bữa.
Lượng đường trong máu (đường huyết) thường có xu hướng tăng sau khi ăn, do insulin tiết ra không đủ để giảm lượng đường glucose.
Đường huyết cao gây ra cảm giác khó chịu như đầu óc choáng váng, khó tập trung hoặc suy nghĩ rõ ràng, mệt mỏi, khó thở, hồi hộp. Tình trạng này kéo dài có nguy cơ dẫn đến bệnh tim, thận, đột quỵ hoặc các biến chứng sức khỏe nguy hiểm khác.
Một số cách dưới đây góp phần kiểm soát đường huyết tăng đột biến.
Ghi nhật ký ăn uống: Người bệnh tiểu đường biết các món ăn, thức uống dễ làm tăng đường huyết, từ đó hạn chế hoặc loại bỏ khỏi thực đơn. Các thông tin nên lưu lại như khẩu phần ăn, lượng carbohydrate, loại thuốc uống trước và sau khi ăn để đối chiếu với chỉ số đường huyết thay đổi.
Người bệnh nên hạn chế đồ ngọt, bánh mì trắng, cơm, mì ống và khoai tây vì có xu hướng kích hoạt thèm ăn.
Kiểm tra lượng đường trong máu trước bữa ăn: Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA) khuyên người bệnh tiểu đường nên kiểm tra đường huyết ngay trước giờ ăn và khoảng 1-2 giờ sau bữa ăn. Nhờ đó sớm có giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Dùng thuốc tác dụng nhanh: Người bệnh đang dùng insulin hoặc thuốc theo chỉ định bác sĩ có thể tiêm insulin khi lượng đường tăng đột biến sau bữa ăn. Insulin thường có tác dụng giảm đường huyết nhanh, trong khoảng 30 phút.
Thay đổi chất béo: Hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn thực phẩm có liên quan đến các chất béo như bơ, mỡ động vật, da gà, khoai tây chiên góp phần kiểm soát bệnh tiểu đường. Nên tăng cường các loại chất béo lành mạnh như dầu ô liu, dầu hạt cải…
Không bỏ bữa sáng: Người bệnh không ăn sáng dễ tăng đường huyết sau các bữa trưa và bữa tối. Nên uống một cốc nước sau khi thức dậy và ăn sáng một giờ sau đó. Thực đơn đa dạng gồm protein (trứng, phô mai ít béo, thịt gia cầm), chất xơ giúp ổn định lượng đường trong máu suốt buổi sáng.
Đi dạo sau bữa tối: Thói quen lành mạnh này hỗ trợ thúc đẩy tiêu hóa, đốt cháy lượng glucose thừa từ bữa ăn, có lợi cho mục tiêu quản lý bệnh tiểu đường.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết – đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |