Ukraine bắt đầu tiếp nhận mẫu UAV tự sản xuất giá rẻ, được cho là “câu trả lời” của Kiev với dòng Shahed mà Nga sử dụng.
Terminal Autonomy, công ty chuyên sản xuất thiết bị bay không người lái (UAV), tháng trước đăng video quân đội Ukraine triển khai UAV tự sát AQ-400 “Lưỡi hái” để tấn công lực lượng Nga, cho thấy mẫu UAV của họ đã được bàn giao cho Kiev.
Theo chuyên gia quân sự David Hambling của Forbes, “Lưỡi hái” có thể trở thành đối trọng của dòng UAV tự sát Shahed mà Nga đang sử dụng để tập kích hạ tầng Ukraine, do nó cũng có giá thành rẻ, hiệu quả cao và dễ sản xuất. “UAV ‘Lưỡi hái’ là câu trả lời của Ukraine đối với Shahed”, Hambling cho biết.
Nga nói nước này không sử dụng UAV Shahed do Iran sản xuất mà dùng UAV nội địa Geran, song Ukraine và phương Tây cho rằng Moskva chỉ sơn lại UAV của Tehran và đổi tên. Iran cũng cho biết đã chuyển giao loạt phi cơ Shahed-136 cho Moskva từ trước khi chiến sự bùng phát.
Terminal Autonomy cho biết UAV “Lưỡi hái” có thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, với hai cặp cánh ở phía trước và phía sau, giúp tăng lực nâng của UAV mà không cần có sải cánh quá lớn, điều làm tăng diện tích phản xạ radar và giảm tính cơ động của máy bay. Thiết kế này cũng giúp việc vận chuyển UAV dễ dàng hơn, một thùng container có thể chứa tới 30 chiếc “Lưỡi hái” đã được lắp ráp hoàn chỉnh nếu xếp chồng lên nhau.
Thân UAV được làm bằng gỗ dán do các nhà máy sản xuất đồ nội thất cung cấp, qua đó dễ sản xuất hàng loạt hơn so với dùng công nghệ in 3D và nguyên liệu bằng sợi thủy tinh. Việc lắp ráp cũng không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, nên không mất nhiều thời gian để đào tạo nhân lực sản xuất.
UAV “Lưỡi hái” có tốc độ bay 140-200 km/h, tương tự dòng Shahed, song chỉ có tầm bay khoảng 750-900 km so với 2.500 km của UAV Iran. Dù vậy, mẫu UAV này vẫn đủ sức tập kích một số vùng lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea do nước này kiểm soát.
UAV “Lưỡi hái” còn có khả năng tập kích từ độ cao 3.000 mét và đây là cách tấn công mà nhà sản xuất khuyến khích sử dụng.
“Tên lửa có thể đánh chặn vật thể ở độ cao 3.000 mét thường có giá đắt hơn so với UAV ‘Lưỡi hái’, khiến cho đối phương gặp bất lợi về mặt kinh tế”, Francisco Serra-Martins, đồng sáng lập công ty Terminal Autonomy, nhận định.
Ở chế độ tấn công từ trên cao, “Lưỡi hái” sử dụng hệ thống điều hướng dựa trên hình ảnh của các điểm cố định dưới mặt đất, nên không bị gây nhiễu bằng sóng vô tuyến, theo Serra-Martins.
Mẫu UAV này cũng có thể được hoán cải thành dòng góc nhìn thứ nhất (FPV) bằng cách trang bị thêm camera, giúp nó có thể tập kích mục tiêu di động một cách chính xác hơn nếu được điều khiển bởi người có kỹ năng cao. Nhược điểm là điều này sẽ hạn chế tầm bay của UAV và tăng thêm chi phí sản xuất.
“Lưỡi hái” có thể cất cánh từ đường băng hoặc đường bộ, hoặc phóng bằng rocket đẩy từ địa điểm không có mặt phẳng hoặc trên tàu, tương tự dòng Shahed. Cũng giống như UAV Iran, “Lưỡi hái” hiệu quả nhất khi được sử dụng để tấn công kiểu “bầy đàn”, di chuyển theo đội hình với số lượng lớn để gây quá tải cho hệ thống phòng không đối phương.
UAV “Lưỡi hái” có giá khoảng 15.000 USD nếu chỉ có khung thân và tăng lên 30.000 USD nếu được trang bị thêm tính năng như thiết bị dẫn đường, xấp xỉ dòng Shahed, ước tính có giá khoảng 20.000-50.000 USD. Theo Serra-Martins, có thể giảm chi phí triển khai “Lưỡi hái” khi tấn công theo kiểu “bầy đàn” bằng cách triển khai đội hình 1-9, trong đó chỉ UAV dẫn đầu được trang bị hệ thống dẫn đường, còn các UAV phía sau thì không.
“Chiến thuật này vẫn có thể gây quá tải hệ thống phòng thủ của đối phương, song ít tốn kém hơn”, đồng sáng lập Terminal Autonomy nhận định.
Công ty cho biết hiện sản xuất khoảng 50 chiếc “Lưỡi hái” một tháng, dự kiến tăng lên 500 chiếc vào quý II năm 2024. “Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất được 1.000 chiếc một tháng, song rất khó để làm được điều này chỉ sau một quý”, Serra-Martins cho biết.
Phạm Giang (Theo Forbes, Reuters)