Tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn, mang đầu đạn siêu vượt âm được coi là át chủ bài để Triều Tiên đe dọa căn cứ chiến lược Mỹ tại Guam.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thông báo nước này hôm 14/1 phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa dùng nhiên liệu rắn, mang đầu đạn lướt siêu vượt âm. Cuộc thử nghiệm nhằm xác định “đặc tính cơ động của đầu đạn và độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn đa tầng sức đẩy lớn mới phát triển”.
Quân đội Hàn Quốc trước đó cũng nhận định Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM), vũ khí có tầm bắn 3.000-5.500 km và đủ sức uy hiếp các căn cứ trọng yếu của Mỹ trên đảo Guam, nằm cách bán đảo Triều Tiên khoảng 3.500 km.
Đây không phải lần đầu Triền Tiên thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn lướt siêu vượt âm. Trong năm 2021-2022, nước này đã ba lần phóng thử Hwasong-8, tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm màu cam nổi bật.
Giới chuyên gia đánh giá kết cấu động cơ của Hwasong-8 giống với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 được Triều Tiên phóng thử năm 2017, trong đó quả đạn được trang bị một động cơ chính và 4 động cơ nhỏ để điều chỉnh đường bay. Do đó, Hwasong-8 nhiều khả năng cũng sử dụng nhiên liệu lỏng, loại nhiên liệu có độ tin cậy thấp và mất nhiều thời gian để nạp trước khi phóng.
Cuộc thử nghiệm ngày 14/1 dường như là lần đầu Bình Nhưỡng kết hợp đầu đạn lướt siêu vượt âm với tên lửa dùng động cơ nhiên liệu rắn, giúp phát huy tối đa ưu thế của từng loại công nghệ, gia tăng khả năng uy hiếp các mục tiêu chiến lược của Mỹ.
Động cơ nhiên liệu rắn khó phát triển và chế tạo hơn động cơ nhiên liệu lỏng, nhưng có thể rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị trước khi phóng và không đòi hỏi nhiều cơ sở hạ tầng phụ trợ.
Điều này giúp tên lửa nhiên liệu rắn khó bị phát hiện, dễ dàng triển khai từ nhiều địa điểm khác nhau và gây bất ngờ cho đối phương. Thay vì phải chờ đợi nạp nhiên liệu trong thời gian dài trước khi khai hỏa tên lửa, xe chở tên lửa nhiên liệu rắn có thể di chuyển từ nơi ẩn nấp đến địa điểm cần thiết, phóng tên lửa rồi nhanh chóng rút lui, khiến đối phương không kịp phát hiện và phản ứng.
Điều này sẽ giúp phát huy tối đa tính ưu việt của đầu đạn lướt siêu vượt âm. Triều Tiên đang phát triển hai biến thể đầu đạn siêu vượt âm với hình dáng khác nhau, trong đó một mẫu có nhiều nét tương đồng với dòng Avangard của Nga và DF-17 Trung Quốc.
Tên lửa siêu vượt âm thường đạt tốc độ khoảng 6.000-12.000 km/h, thua kém nhiều loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Điểm nổi bật nhất của vũ khí siêu vượt âm là khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển, khiến chúng rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại.
Sự kết hợp giữa đầu đạn lướt siêu vượt âm với tên lửa đạn đạo tầm xa sẽ tạo thành Hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp (FOBS), nền tảng từng được Liên Xô phát triển thời Chiến tranh Lạnh.
FOBS sở hữu uy lực tương tự tên lửa đạn đạo, nhưng có thể tấn công từ những hướng không ngờ tới. Nó không chịu hạn chế về tầm bắn, trong khi thời điểm đầu đạn lao xuống cũng rất khó dự đoán, trái ngược với quỹ đạo ổn định của tên lửa đạn đạo.
“Với hệ thống FOBS truyền thống, đối thủ có thể phần nào đoán được đường bay của đầu đạn nếu phát hiện được phương tiện mang phóng trên không gian. Nhưng thiết kế sử dụng đầu đạn lướt siêu vượt âm khiến đối phương hoàn toàn không thể dự đoán đường bay của nó”, chuyên gia quân sự Mỹ Tyler Rogoway nhận định.
Bắn hạ đầu đạn này cũng không phải điều dễ dàng, đặc biệt khi các hệ thống đánh chặn của Mỹ chỉ chú trọng vào phát hiện và tiêu diệt tên lửa đạn đạo truyền thống, vốn có đường bay cố định theo từng giai đoạn.
“FOBS cho phép triển khai phương tiện lướt siêu vượt âm từ ngoài tầm phát hiện và đánh chặn của hệ thống phòng không ngoài khí quyển, sau đó đầu đạn sẽ lướt trong khí quyển và bổ nhào xuống mục tiêu. Lưới radar mặt đất gần như vô dụng vì giới hạn góc nhìn thẳng và tốc độ quá lớn của quả đạn”, Rogoway thừa nhận.
Một số chuyên gia cảnh báo vụ thử mới nhất cho thấy vũ khí siêu vượt âm và FOBS của Triều Tiên có thể trở thành thách thức lớn với lực lượng Mỹ trong tương lai gần.
“Triều Tiên dường như đang nỗ lực phát triển tên lửa siêu vượt âm và IRBM dùng động cơ nhiên liệu rắn, nhằm sở hữu những hệ thống vũ khí có khả năng né tránh lưới phòng thủ của Mỹ và hủy diệt các mục tiêu trọng yếu tại Guam”, Chang Young-keun, giáo sư tại Đại học Hàng không Hàn Quốc, nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo Reuters, Drive)