Sau vòng trừng phạt thứ 13 nhắm vào Moscow, Ủy ban châu Âu (EC) được cho là đang chuẩn bị gói trừng phạt tiếp theo, hứa hẹn đưa vào các biện pháp trừng phạt theo lĩnh vực và sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến nền kinh tế Nga.
Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt mới nhất đối với Nga và cố tình cho nó có hiệu lực vào đúng ngày 24/2, nhân dấu mốc 2 năm ngày Tổng thống Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Các hạn chế mới nhất của EU gần như hoàn toàn tập trung vào việc trấn áp hành vi “lách” các lệnh trừng phạt, nhắm vào các công ty trên khắp thế giới – bao gồm cả các thực thể từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Triều Tiên – bị cáo buộc cung cấp cho Nga công nghệ tiên tiến và hàng hóa quân sự được sản xuất tại EU, đặc biệt là các linh kiện máy bay không người lái.
Tuy nhiên, những hạn chế chặt chẽ hơn đối với nhôm Nga đã không được đưa vào gói trừng phạt thứ 13 vì chủ đề này vẫn còn gây chia rẽ. Câu hỏi đặt ra là liệu trong gói trừng phạt tiếp theo mà EC đang chuẩn bị, nhôm Nga có bị nhắm mục tiêu với một lệnh cấm toàn diện hay không khi EU coi kim loại này là một trong những loại nguyên liệu thô tối quan trọng?
Tạm thời chưa bị “cấm tiệt”…
Phe “diều dâu” trong khối – bao gồm Estonia, Latvia, Litva (Lithuania) và Ba Lan – trong thời gian qua đã thúc đẩy cả lệnh cấm nhập khẩu và xuất khẩu kim loại này.
“Việc nhập khẩu nhôm của châu Âu không chỉ tài trợ cho nền kinh tế thời chiến của Nga, mà còn mang lại lợi ích cho các nhà tài phiệt và các công ty nhà nước được Điện Kremlin hậu thuẫn”, các quan chức của 4 quốc gia trên lưu ý trong một tài liệu mà Đài RFE/RL được tiếp cận.
Theo trang Politico EU, thậm chí 2 năm sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, châu Âu vẫn mua 9% lượng nhôm nhập khẩu từ Nga, với khối lượng 2,3 tỷ Euro (2,5 tỷ USD) mỗi năm. Khối này cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm nhôm khác nhau sang Nga, trị giá khoảng 190 triệu euro.
Lệnh trừng phạt duy nhất mà khối đã ban hành trong lĩnh vực này là lệnh cấm nhập khẩu rất cụ thể và có mục tiêu đối với dây, giấy, ống và ống dẫn bằng nhôm được sản xuất tại Nga. Điều đó vẫn khiến 85% ngành kinh doanh nhôm – bao gồm cả ngành xây dựng và ngành công nghiệp ô tô sinh lợi – vẫn chưa bị ảnh hưởng cho đến nay.
Tuy nhiên, tình trạng trên có thể thay đổi khi ngành công nghiệp nhôm ở châu Âu hiện đang kêu gọi áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Đại diện ngành công nghiệp nhôm châu Âu tại Brussels đã lập luận rằng vì lý do đạo đức, “kinh doanh như bình thường” với Nga không thể tiếp tục.
Nhưng cũng có những lý do kinh tế thuyết phục. Vật lộn với chi phí năng lượng cao và sự cạnh tranh giá rẻ từ nước ngoài, các nhà sản xuất kim loại được sử dụng rộng rãi ở châu Âu đang hy vọng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga – nước vẫn là nhà sản xuất nhôm lớn thứ ba thế giới – có thể mang lại sự nhẹ nhõm.
Kể từ mùa thu năm ngoái, hiệp hội các nhà sản xuất nhôm của EU đã lập luận rằng Brussels nên cắt giảm hoàn toàn nhập khẩu từ Nga, đồng thời cho biết các nhà sản xuất châu Âu đã đẩy nhanh quá trình “cai nghiện” nhôm Nga.
Trước khi xung đột bùng phát vào tháng 2/2022, nhập khẩu nhôm từ Nga chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu của EU. Hiện nay, nhôm Nga chỉ chiếm khoảng 8% lượng nhập khẩu của khối. Bằng cách dựa ít hơn vào Moscow, thiệt hại cho họ sẽ ít hơn khi Nga bị trừng phạt.
Nhôm cũng khá khác so với các nguyên liệu thô khác, chẳng hạn như uranium hiếm hơn nhiều được sử dụng trong ngành công nghiệp hạt nhân. Nhôm rất dễ dàng để có được, được sản xuất trên toàn thế giới và dễ dàng vận chuyển.
Do EU hiện đang sản xuất nhiều nhôm hơn và nhập khẩu từ các đối tác mới ở Iceland, Mozambique và Na Uy, nguồn cung đang vượt xa nhu cầu.
…Không có nghĩa là sẽ “miễn nhiễm”
Vẫn còn một số vấn đề cần phải khắc phục. Trong khi sự phụ thuộc vào nhôm Nga nói chung đã giảm trên khắp EU, một số quốc gia thành viên EU – đáng chú ý nhất là Hy Lạp – vẫn phụ thuộc vào Moscow trong phần lớn nhập khẩu kim loại này. Và như mọi khi với các biện pháp trừng phạt, để được thông qua, nó cần sự đồng thuận từ tất cả 27 quốc gia thành viên EU.
Các quan chức của EC cho biết có 3 lĩnh vực mà Brussels, về nguyên tắc, sẽ không nhắm tới bằng các biện pháp trừng phạt, bao gồm thực phẩm, thuốc và thiết bị y tế, và nguyên liệu thô tối quan trọng. Nhôm được EU phân loại là nguyên liệu thô tối quan trọng, ngay cả khi nhôm hiện có rất nhiều trên thị trường.
EC cũng nhận thức được một trở ngại khác. Nếu các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với nhôm được áp dụng, một số quốc gia thành viên có thể yêu cầu miễn trừ. Hy Lạp sẽ là một ứng cử viên rõ ràng.
Đây là điều đã xảy ra khi EU đưa ra các lệnh trừng phạt đối với thép nhập khẩu từ Nga vào năm 2023. Một số quốc gia thành viên EU đã giành được quyền miễn trừ, cho phép họ bỏ qua các biện pháp này cho đến năm 2028, làm biến dạng thị trường chung nội bộ của khối và mang lại cho các quốc gia đó lợi thế cạnh tranh.
Trong ngành thép, có giấy chứng nhận xuất xứ, trong đó xác định quốc gia nơi xuất xứ của hợp kim này và nơi nó được sản xuất. Điều khiến EU lo ngại là chưa có thứ tương tự cho ngành công nghiệp nhôm, từ đó khiến Moscow dễ dàng lách các lệnh trừng phạt hơn. Một hệ thống tương tự như hệ thống dành cho thép có thể được tạo ra cho nhôm, nhưng nó có thể đòi hỏi nỗ lực toàn cầu bền vững để có hiệu quả và điều này có thể tốn thời gian.
Các lệnh trừng phạt trong tương lai trong lĩnh vực này cũng sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác và phối hợp giữa EU và Mỹ. Nhà Trắng không có bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với nhôm Nga, nhưng đã áp thuế 200% đối với kim loại này. Washington và Brussels cũng có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với RUSAL, tập đoàn sản xuất nhôm khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Nga.
Mỹ trước đây đã nhắm mục tiêu vào công ty. Năm 2018, Nhà Trắng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ông chủ lúc đó của công ty, nhà tài phiệt Oleg Deripaska, và tất cả các hoạt động kinh doanh của ông này. Mặc dù các biện pháp này đã được dỡ bỏ một năm sau đó, nhưng điều đó cho thấy rằng nhôm không “miễn nhiễm” với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Với việc ông Deripaska nằm trong “danh sách đen” của EU kể từ tháng 4/2022 với cáo buộc hỗ trợ kinh tế cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, một số quan chức EU tin rằng vẫn còn không gian để tiến xa hơn nữa với các biện pháp trừng phạt toàn diện nhắm vào nhôm Nga.
Minh Đức (Theo RFE/RL, Politico EU)