Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ bùng nổ, đe dọa lạm phát trên diện rộng ở cả hai bờ Đại Tây Dương, đặc biệt khi giá cả đang dần ổn định sau thời gian dài tăng cao.
Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và EU là một trong những “sợi dây liên kết” quan trọng nhất trên thế giới. (Nguồn: Centre for Europe Reform) |
Đó là nhận định của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) – viện nghiên cứu chính sách độc lập có trụ sở tại Washington về mối quan hệ giữa Mỹ và EU trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11.
Sẵn sàng đáp trả
Theo CSIS, mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và EU là một trong những “sợi dây liên kết” quan trọng nhất trên thế giới dù trước đây thường thiếu chiều sâu và đôi khi còn nhiều căng thẳng. Tuy nhiên, nhờ sự tập trung cao độ vào an ninh kinh tế, nhu cầu hợp tác về chính sách đối với Trung Quốc và cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến cục diện dưới thời Tổng thống Biden có nhiều thay đổi, thúc đẩy một sự gắn kết chưa từng có trong quan hệ Mỹ-EU.
Mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương, theo báo cáo của CSIS cho thấy, rất quan trọng đối với cả Washington và Brussels, với kim ngạch thương mại và đầu tư song phương lớn nhất thế giới. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của EU, chiếm 1/5 lượng xuất khẩu của EU trong năm 2023, đồng thời là điểm đến đầu tư lớn nhất của liên minh này, với 55% tổng đầu tư.
Trong khi đó, tổng đầu tư của Mỹ vào EU lớn gấp bốn lần so với ở châu Á và Thái Bình Dương, còn đầu tư trực tiếp của EU vào Mỹ lớn gấp mười lần tổng đầu tư vào Ấn Độ và Trung Quốc. Mỹ trở thành nhà cung năng lượng quan trọng của nền kinh tế EU, đặc biệt là trong lĩnh vực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với 50% trong nguồn cung của châu Âu kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Mỹ trở thành một trong những nhà cung cấp LNG lớn nhất cho châu Âu. (Nguồn: Reuters) |
Sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đang chuẩn bị một kỷ nguyên mới cho Brussels, với gia tăng chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu và vũ khí hoá sự phụ thuộc kinh tế.
Bản hướng dẫn chính trị của EC nhiệm kỳ 2024-2029 chỉ rõ, an ninh kinh tế là trụ cột đầu tiên trong chương trình chính sách kinh tế đối ngoại. Giờ đây, mục tiêu chính không còn là mở rộng thương mại tự do, đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với nhiệm kỳ trước của bà von der Leyen, cũng như trong mục tiêu chính sách thương mại truyền thống của EC.
EC đã tăng cường kho vũ khí phòng thủ thương mại, chẳng hạn như tạo ra công cụ chống cưỡng bức cho phép trả đũa các quốc gia áp dụng biện pháp “tống tiền kinh tế” lên nhiều thành viên EU. Với việc tái đắc cử dễ dàng, bà von der Leyen có thể sẽ sử dụng quyền lực để chống lại bất cứ biện pháp cưỡng chế thương mại nào từ Mỹ, đặc biệt dưới thời chính quyền ông Donald Trump.
Sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen chuẩn bị một kỷ nguyên mới cho Brussels. (Nguồn: CEPA) |
Bên cạnh đó, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể dẫn đến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU. Cựu Tổng thống Mỹ khẳng định thuế quan sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự thương mại “Nước Mỹ trên hết” của ông.
Trong bài viết gần đây trên mạng xã hội X, ông Trump ám chỉ việc nhắm vào chính sách thương mại tự do của Brussels nếu trở lại Nhà Trắng.
“Tôi hiểu rõ về Liên minh châu Âu. Họ lợi dụng Mỹ rất nhiều trong lĩnh vực thương mại”, ông Trump nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia CSIS, đề xuất của ông Trump về việc áp thuế chung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế EU. Các biện pháp thuế mà cựu Tổng thống áp dụng năm 2018 đối với thép (25%) và nhôm (10%) của châu Âu có thể sẽ tái áp dụng. Trước đó, các biện pháp này đã được chính quyền Tổng thống Biden tạm hoãn đến tháng 3/2025. Ông Trump nhiều lần đe dọa áp thuế đối với xe hơi nhập khẩu từ EU, vốn là ngành công nghiệp nhạy cảm về mặt chính trị đối với Đức.
Ông Robert Lighthizer, cựu quan chức thương mại hàng đầu của chính quyền cựu Tổng thống Trump, là nhân vật có thể đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong nhiệm kỳ thứ hai và được kỳ vọng theo đuổi một loạt các chính sách phá vỡ trật tự thương mại. Những xung đột thương mại hiện có như tranh chấp trợ cấp Airbus-Boeing, thuế nhôm và thép, cũng như các loại thuế kỹ thuật số của châu Âu, có thể bị lợi dụng để gây sức ép buộc Brussels nhượng bộ.
“Đe dọa đôi bờ”
CSIS nhấn mạnh, cuộc bầu cử Mỹ ảnh hưởng đáng kể đến EU. Liên minh sẽ đáp trả các biện pháp thuế quan của ông Trump bằng những chính sách thuế quan riêng của mình. Động thái này tương tự như cách EU đã làm trong nhiệm kỳ đầu của vị cựu Tổng thống khi áp thuế lên Harley Davidson và rượu whisky của Mỹ.
Một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU có thể leo thang và chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, đặc biệt vào thời điểm giá cả dần ổn định sau thời gian dài tăng cao. Chính vì vậy, việc EU có đủ năng lực để gây “tổn thương” đáng kể cho nền kinh tế Mỹ sẽ giúp liên minh ngăn ông Trump leo thang cuộc chiến thương mại.
Chắc chắn Brussels sẽ không bị trở tay không kịp. EC đã thành lập một nhóm chuyên trách để chuẩn bị cho những thay đổi chính sách sau cuộc bầu cử tại Mỹ, đặc biệt là ứng phó với các biện pháp thuế quan mạnh tay và khả năng Washington rút khỏi NATO.
Vào mùa Thu 2024, Uỷ ban sẽ tăng cường trao đổi với các chính phủ EU, chia sẻ hiểu biết về những lỗ hổng tiềm ẩn của EU và cách giảm thiểu các rủi ro. Một trong những ưu tiên của EC là phát triển kế hoạch truyền thông nhằm ứng phó với các thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với châu Âu, chẳng hạn như yêu cầu các quốc gia EU gánh vác thêm trách nhiệm trong khoản tài trợ quốc phòng cho Ukraine.
Các công ty châu Âu có thể hưởng lợi nếu ông Trump loại bỏ các khoản trợ cấp trong IRA, vốn có lợi cho các nhà sản xuất Mỹ hơn là doanh nghiệp châu Âu. (Nguồn: Bloomberg) |
Ngoài ra, vấn đề khí hậu cũng là điểm xung đột giữa hai bên. Ông Trump tỏ ra không thân thiện đối với Hiệp định Paris và Đạo luật giảm lạm phát (IRA), điều này có thể dẫn đến làn sóng phẫn nộ và sự thù ghét Mỹ ở châu Âu, đặc biệt ở giới trẻ, những người tiên phong trong các chương trình hành động vì khí hậu. Tuy nhiên, các công ty châu Âu có thể hưởng lợi nếu ông Trump loại bỏ các khoản trợ cấp trong IRA, vốn có lợi cho các nhà sản xuất Mỹ hơn là doanh nghiệp châu Âu.
Theo CSIS, trong khi EU nỗ lực xây dựng một lập trường thống nhất với Mỹ, nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Trump có thể sẽ lợi dụng sức ảnh hưởng để tác động lên một số quốc gia EU, ngăn chặn phản ứng mạnh mẽ từ khối này. Sự thù địch trong quan hệ Mỹ-EU sẽ “cản đường” nỗ lực xây dựng vị thế kinh tế xuyên Đại Tây Dương chung đối với Trung Quốc.
Ngược lại, chính quyền do bà Kamala Harris lãnh đạo được kỳ vọng củng cố hơn nữa mối quan hệ Mỹ-EU và tránh những xung đột thương mại. Bà Harris, cũng như ông Biden, không muốn các vấn đề thương mại trong quá khứ ảnh hưởng đến mối quan hệ này. Do đó, các vướng mắc như tranh chấp Boeing-Airbus, thuế quan đối với thép và nhôm sẽ tiếp tục tạm hoãn, hoặc nỗ lực nghiêm túc để giải quyết.
Khả năng cao Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ (TTC) tiếp tục duy trì hoạt động, tạo điều kiện gắn kết các quan chức chủ chốt, mang lại không gian hợp tác lớn hơn về công nghệ năng lượng tái tạo, chuỗi cung ứng quan trọng và quy định công nghệ cho hai bên. Chính quyền bà Harris sẽ tăng cường hợp tác với EU về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và an ninh kinh tế.
Bất kể ai chiến thắng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đến tháng 1/2025, chính quyền tiếp theo cần phải củng cố mối quan hệ quan trọng trong trật tự kinh tế giữa Mỹ và EU (Nguồn: Gettty). |
CSIS khẳng định, bất kể ai chiến thắng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đến tháng 1/2025, chính quyền tiếp theo cũng cần phải củng cố mối quan hệ quan trọng trong trật tự kinh tế toàn cầu này. Một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU sẽ chỉ gây hại cho cả hai bên, đem đến lợi ích cho Trung Quốc. Thay vào đó, mối quan hệ giữa Mỹ và EU nên tiếp tục củng cố hơn nữa dựa trên nền tảng tiến bộ của TTC, đồng thời tăng cường hợp tác về an ninh kinh tế, kinh tế xanh, tái thiết Ukraine, chính sách trừng phạt, các khoản trợ cấp cũng như chính sách thương mại phân biệt đối xử của Trung Quốc.
Tóm lại, mối quan hệ kinh tế Mỹ-EU đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự kinh tế toàn cầu. Dù kết quả bầu cử Mỹ ra sao, cả hai bên cần tăng cường hợp tác để tránh một cuộc chiến thương mại gây tổn hại chung, đồng thời tiếp tục giải quyết các thách thức toàn cầu như an ninh kinh tế, tái thiết Ukraine và cạnh tranh với nền kinh tế thứ hai thế giới. Một mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ổn định sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững toàn cầu.
Nguồn: https://baoquocte.vn/my-eu-moi-quan-he-lo-lung-trong-su-can-bang-290885.html