Tiến sĩ dùng bằng giả từng giảng dạy, hướng dẫn đồ án, khóa luận nhưng Đại học Công nghệ TP HCM và Công nghệ Sài Gòn nói không ảnh hưởng đến chất lượng học tập của sinh viên.
Hồi tháng 10, trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cho biết phát hiện ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, dùng bằng tiến sĩ, thạc sĩ giả. Sau đó, nhiều đại học cũng phát hiện ông Hải từng ứng tuyển và tham gia giảng dạy, trong giai đoạn 2016-2022. Công an TP Hồ Chí Minh đang làm việc với các trường về việc này.
Trong đó, ông Hải hướng dẫn khóa luận, đồ án cho một số sinh viên trường Đại học Công nghệ TP HCM và Đại học Công nghệ Sài Gòn.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP HCM, cho hay ông Hải từng là giảng viên thỉnh giảng, rồi chính thức tại khoa Công nghệ thông tin, từ năm 2016 đến 2022. Ông Hải dạy môn Công cụ và môi trường phát triển phần mềm, Quản lý dự án Công nghệ thông tin, Quản lý phần mềm, nhưng “với khối lượng không nhiều”. Ông cũng hướng dẫn một số sinh viên làm đồ án môn học.
“Chất lượng giảng dạy của ông Hải được sinh viên đánh giá bình thường”, ông Quốc Anh nói.
Còn tại trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (STU), PGS Cao Hào Thi, Phó hiệu trưởng, cho biết ký hợp đồng làm việc với ông Hải từ tháng 4/2021 đến cuối năm ngoái. Ngoài giảng dạy một số môn, ông Hải hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho 9 sinh viên.
Trả lời câu hỏi nhà trường xử lý thế nào với những học phần do ông Hải giảng dạy, TS Nguyễn Quốc Anh cho rằng ở môi trường đại học, giảng viên chủ yếu đóng vai trò người hướng dẫn, không quyết định, ảnh hưởng quá lớn đến chất lượng học tập của sinh viên. Nội dung kiến thức giảng dạy đã có sẵn theo giáo trình nhà trường biên soạn.
“Khi thi cử, nhà trường có ngân hàng, đề thi riêng, chứ không phải thầy cô nào dạy là chấm thi, ra đề. Nếu sinh viên đã vượt qua các kỳ thi thì chắc chắn đã có năng lực, chuẩn kiến thức nhất định”, ông nói.
Tương tự, PGS Cao Hào Thi cho rằng khóa luận tốt nghiệp được đánh giá bởi một hội đồng, gồm nhiều thầy cô nên kết quả của sinh viên đảm bảo đúng yêu cầu.
“Nhà trường không có ý định hủy kết quả hoặc yêu cầu sinh viên được ông Hải giảng dạy phải học lại”, ông Quốc Anh nói thêm.
Các trường khác như Đại học Văn Hiến, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Nha Trang cũng cho hay từng nhận ông Hải đến thỉnh giảng, thử việc nhưng thời gian không đáng kể nên không bị ảnh hưởng gì.
Theo các trường, khi ứng tuyển ông Hải nộp bản sao bằng thạc sĩ, tiến sĩ Khoa học máy tính của trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, có công chứng. Một số trường nói do tình hình dịch Covid-19 căng thẳng, chưa có phần mềm tra cứu văn bằng nên không phát hiện bằng cấp của ông Hải là giả.
Vụ việc được phát hiện khi trường Cao đẳng Công thương Việt Nam tuyển dụng và bổ nhiệm ông Hải làm trưởng khoa hồi tháng 9. Sau khi có một số ý kiến nghi ngờ bằng cấp, trường gửi thông tin, văn bằng của ông Hải đến trường Đại học Khoa học tự nhiên, nhờ đối chiếu. Trong văn bản trả lời, trường này cho hay thông tin trên văn bằng không khớp với dữ liệu của trường.
Theo quy định, các trường cần công khai tất cả văn bằng, chứng chỉ đã cấp để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát, nhưng nhiều trường chưa làm việc này. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phần mềm tra cứu văn bằng, chứng chỉ toàn quốc từ năm 2021, đang chạy thử nghiệm.
Năm 2017, một giảng viên trường Đại học Đông Á (Hà Nội) bị phát hiện dùng bằng đại học Tin học, thạc sĩ kỹ thuật và giấy chứng nhận bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Bách khoa TP HCM là giả. Người này sau đó bị xử phạt 24 tháng tù treo.
Lệ Nguyễn