Một số nghị sĩ Mỹ lo ngại về quyền riêng tư và an toàn thông tin nếu chatbot AI DeepSeek được sử dụng trên các thiết bị của chính phủ.
Chỉ sau vài ngày ra mắt, ứng dụng DeepSeek đã vượt qua ChatGPT về lượng tải xuống từ ứng dụng App Store của Apple, gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu. (Nguồn: Reuters) |
Theo CNN, hai nghị sĩ Mỹ Darin LaHood (đảng Cộng hòa, bang Illinois) và Josh Gottheimer (đảng Dân chủ, bang New Jersey) dự kiến đề xuất một dự luật vào ngày 7/2 (giờ địa phương) nhằm cấm sử dụng chatbot AI DeepSeek trên các thiết bị của chính phủ vì lo ngại về an ninh quốc gia.
DeepSeek là mục tiêu mới nhất trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Động thái này diễn ra vài tuần sau khi công ty khởi nghiệp Trung Quốc gây bất ngờ cho Thung lũng Silicon và Phố Wall bằng việc ra mắt mô hình AI tiên tiến R1, có khả năng tương đương với các mô hình hàng đầu của Mỹ nhưng chi phí đào tạo thấp hơn và tiêu tốn ít năng lượng hơn.
Việc một công ty Trung Quốc chỉ mới thành lập một năm và bị hạn chế tiếp cận các chip AI mạnh nhất của Mỹ vẫn có thể phát triển công nghệ vượt trội đã làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể tụt lại phía sau Trung Quốc trong lĩnh vực AI.
Lập luận trong dự luật được đề xuất cũng tương tự các điều khoản hạn chế TikTok tại Mỹ, do lo ngại rằng công ty mẹ của TikTok là ByteDance có thể bị buộc phải chia sẻ dữ liệu nhạy cảm của người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc.
Nếu được thông qua, dự luật sẽ cho các cơ quan chính phủ Mỹ 60 ngày để xây dựng tiêu chuẩn và hướng dẫn loại bỏ DeepSeek, cũng như bất kỳ ứng dụng nào khác do công ty mẹ của DeepSeek là High Flyer phát triển, khỏi các thiết bị chính thức.
Đề xuất này tương tự những động thái trước đó của Australia, Italy và Đài Loan (Trung Quốc). DeepSeek chưa đưa ra phản hồi về vấn đề này.
Nhiều công ty AI sử dụng dữ liệu từ các cuộc trò chuyện của người dùng với chatbot để cải thiện mô hình hoạt động, làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư. Tuy nhiên, các chuyên gia bảo mật cảnh báo rằng DeepSeek có thể tiềm ẩn rủi ro lớn hơn do công ty có trụ sở tại Trung Quốc.
Nguồn
Bình luận (0)