Chỉ 3 ngân hàng trả lãi cao nhất tại mức 6,2%/năm
Tuần qua, nhiều ngân hàng lớn tiếp tục duy trì điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Hiện kỳ hạn 12 tháng tại nhiều nhà băng lớn về dưới 6%/năm, thấp nhất trong nhiều năm qua.
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất ghi nhận tại PVcomBank, NCB, Sacombank, với mức 6,2%/năm.
Vietcombank đầu tuần này vừa giảm thêm 0,2%, còn 5,1%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, 3 ngân hàng còn lại là Agribank, VietinBank, BIDV vẫn giữ mức lãi suất huy động cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn dài trên 12 tháng, các kỳ hạn trên 6 đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm, kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng là 3-3,3%/năm.
Theo thống kê từ đầu tháng 10, đã có 24 ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm: PVCombank, VIB, Sacombank, VietBank, SCB, VPBank, SHB, BIDV, VietinBank, HDBank, BaoViet Bank, Techcombank, SeABank, Viet A Bank, PG Bank, Dong A Bank, Vietcombank, LPBank, Nam A Bank, CBBank, ACB, Bac A Bank, và NCB.
Trong đó, CBBank, VIB, Vietcombank, SHB, Dong A Bank, PG Bank, Nam A Bank, HDBank, LPBank, Viet A Bank là những ngân hàng giảm lãi suất hai lần trong tháng này.
VietBank và Bac A Bank đã giảm lãi suất lần thứ 3 trong tháng.
Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng “thừa tiền” vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm.
Người gửi tiền làm gì khi lãi suất xuống đáy?
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến tháng 8.2023, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng kỷ lục. Tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng của dân cư đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 6,43 triệu tỉ đồng. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp cũng tăng gửi tiền vào ngân hàng trở lại khi có thêm 103.501 tỉ đồng tiền gửi trong tháng 8. Tháng 7, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng giảm hơn 74.000 tỉ đồng so với tháng 6.
Tính đến hết tháng 8, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 6,013 triệu tỉ đồng.
Lý do người dân, doanh nghiệp chọn kênh tiết kiệm do tính chất ổn định và an toàn, trong khi các kênh đầu tư khác dù hấp dẫn nhưng có nhiều rủi ro.
Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, bạn Việt Thăng (sinh năm 1996, Hà Nội) mỗi tháng đều gửi tiết kiệm 10 triệu đồng. Đây là thói quen đều đặn của Thăng nhiều năm nay. Thăng chia sẻ, do thời gian gần đây nghe, đọc nhiều tin tức tích cực nên Thăng không muốn chọn kênh đầu tư nào khác ngoài tiết kiệm. Hơn nữa các lần gửi tiền trước của Thăng vẫn được hưởng lãi cao.
Trao đổi với Lao Động, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính – cho biết, việc ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất về đáy, tiền có chảy vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng hay bất động sản không, còn phụ thuộc vào tâm lý nhà đầu tư. Nếu họ thích mạo hiểm thì dòng tiền sẽ được rút ra và đưa vào các kênh đầu tư khác để tìm kiếm nguồn lợi nhuận cao hơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, trong bối cảnh hiện nay, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn. Thị trường này có dấu hiệu khởi sắc, song việc đầu tư vào chứng khoán có thể gặp rủi ro, nếu không nghiên cứu cẩn thận và có kỹ năng phân tích thị trường.
Trong khi đó, các kênh đầu tư như vàng, bất động sản… vẫn còn bấp bênh, chưa có điểm sáng. Một số bất động sản có giá thấp hơn trước đây nhưng người mua lúc này có thể không muốn vay vốn từ ngân hàng.
Vàng thì tăng giảm thất thường trong suốt thời gian qua nên cũng khiến người mua ái ngại. Vì thế, dòng tiền hiện nay đang nằm chờ đợi tìm kiếm cơ hội đầu tư là chính.
“Với tính chất ổn định và ít rủi ro, gửi tiết kiệm ngân hàng là hình thức được nhiều người dân Việt Nam ưa thích. Tâm lý sợ mất tiền vẫn lớn nên dù lãi suất thấp họ vẫn chấp nhận” – ông Thịnh nhận định.