Tàu Titanic rất khó trục vớt bởi xác tàu đang phân hủy, cần chi phí khổng lồ và nó được xem như một nghĩa địa.
1. Xác tàu Titanic là một nghĩa địa
Khoảng 1.500 người thiệt mạng trong vụ chìm tàu Titanic. Sau khi tàu chìm, thuyền cứu hộ vớt được hơn 300 thi thể. Những người mặc áo phao cứu sinh có thể bị cuốn đi xa hơn khỏi khu vực bởi dòng hải lưu trong khi nhiều người khác chìm cùng con tàu. Chính phủ Mỹ và Anh thỏa thuận coi xác tàu như khu tưởng niệm, do đó khu vực này sẽ được bảo tồn thay vì trục vớt, theo Monica Allen, giám đốc quan hệ công chúng của Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA).
Năm 2020, RMS Titanic Inc., công ty được cấp quyền trục vớt đồ vật từ tàu Titanic, lên kế hoạch thu thập máy vô tuyến dùng để phát tín hiệu cầu cứu. Kế hoạch gây tranh cãi về khả năng chuyến thám hiểm có thể ảnh hưởng tới hài cốt. Một số ý kiến tranh luận sinh vật biển và nước biển đã phân hủy hoàn toàn thi thể. Đối với nhiều người, xác tàu đánh dấu thảm kịch, bất kể có tồn tại hài cốt hay không. Con cháu của những hành khách thiệt mạng vẫn xem xác tàu Titanic như một nghĩa địa.
2. Xác tàu Titanic đang phân hủy
Tàu Titanic được đóng từ hàng nghìn tấm thép dày 2,5 cm với hai triệu đinh tán bằng thép và sắt non. Halomonas titanicae, loài vi khuẩn đặt theo tên con tàu, đang hoạt động cộng sinh để ăn sắt và lưu huỳnh, theo nhà sinh vật học Lori Johnston. Trong quá trình vi khuẩn tiêu hóa sắt trên tàu, chúng tạo ra rusticle, cấu trúc giống thạch nhũ bao phủ xác tàu.
Thạch nhũ là “dạng yếu hơn nhiều của kim loại”, mong manh đến mức đủ biến thành bụi, nhà nghiên cứu Clare Fitzsimmons ở Đại học Newcastle cho biết. Dòng hải lưu và ăn mòn do muối cũng tạo thêm thiệt hại theo thời gian. Mức độ phân hủy của xác tàu Titanic có thể thấy rõ khi so sánh ảnh chụp phòng của thuyền trưởng Edward Smith giữa năm 1996 và 2019. Theo sử gia Parks Stephenson, bồn tắm của thuyền trưởng là hình ảnh yêu thích với những người quan tâm tới xác tàu Titanic, nhưng giờ đây nó đã biến mất. Toàn bộ sàn ở phía đó sụp xuống, mang theo các phòng ngủ, và quá trình phân hủy vẫn tiếp diễn.
3. Chi phí khổng lồ để trục vớt xác tàu Titanic
Năm 1914, kỹ sư Charles Smith từng lên kế hoạch gắn dây cáp điện từ vào thân tàu và chậm rãi nâng lên bằng động cơ hơi nước và tời kéo. Ở thời điểm đó, ông ước tính chi phí là 1,5 triệu USD, tức khoảng 45 triệu USD ngày nay. Chi phí trục vớt tàu du lịch bị lật Costa Concordia năm 2013 là 800 triệu USD. Con tàu đó chỉ bị chìm một phần, do đó mang xác tàu Titanic lên khỏi mặt nước sẽ phức tạp và tốn kém hơn nhiều.
Dù xác tàu là một khu tưởng niệm, một số đồ vật trên tàu từng được trục vớt. Công tác trục vớt bị hạn chế ở bãi mảnh vỡ quanh hai thân tàu và phải tuân thủ hướng dẫn của NOAA, thỏa thuận quốc tế và quy định liên bang. Việc để Titanic tiếp xúc với không khí gây ra nhiều vấn đề. Nhà chức trách mất hai đợt lặn vào năm 1996 và 1998 để kéo một mảnh vỡ lớn của tàu Titanic lên mặt nước. Mảnh thân dài 4 x 9 m, nặng 15 tấn còn lưu giữ đinh tán và kính ở một số lỗ cửa sổ ở thành tàu.
Đáy biển là môi trường oxy thấp, vì vậy mảnh vỡ cần đặt trong nước suốt quá trình vận chuyển để làm chậm tác động ăn mòn. Mảnh vỡ được ngâm trong bể chứa dung dịch natri carbonate và nước suốt 20 tháng để loại bỏ muối làm yếu kim loại. Hiện nay, mảnh vỡ này đang được trưng bày ở khách sạn Luxor tại Las Vegas.
An Khang (Theo Business Insider)