Du học sinh về nước mất nhiều thời gian để thích nghi với doanh nghiệp, có thể do định vị bản thân cao hay thiếu kinh nghiệm thực tế, mức lương thấp ở Việt Nam.
Ngày hội nghề nghiệp Connect the Dots 2024 do Hội đồng Anh và Chi hội Cựu du học sinh Anh tại Việt Nam (UKAV) tổ chức trong khuôn viên Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, hôm 13/1 thu hút đông người tham gia. Họ phần lớn là cựu du học sinh hoặc sinh viên tốt nghiệp chương trình liên kết với các đại học ở Anh.
Tham gia tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Hải Thanh, đại diện Apac Dao – nhóm doanh nghiệp trong mảng Web3 và Blockchain tại châu Á, cho biết lợi thế lớn nhất của du học sinh là sự tự tin, ngoại ngữ và cởi mở về tư duy.
Tương tự, bà Lê Thanh Ngân, Trưởng phòng tuyển dụng Tổ chức giáo dục FPT, nhận xét ứng viên trở về từ nước ngoài tiếng Anh tốt, phong thái chỉn chu, trong khi nhiều sinh viên trong nước chưa tự tin về ngoại ngữ.
Hai bà đánh giá do học ở môi trường quốc tế nên du học sinh nhanh nhạy, nhiều kết nối và có tư duy phản biện, luôn nhìn nhận vấn đề ở các khía cạnh để đưa ra cách giải quyết phù hợp.
Tuy nhiên, khi về nước xin việc, du học sinh còn gặp nhiều khó khăn để thích nghi.
Đầu tiên là sự sốc văn hóa ngược. Theo Đặng Vũ Diễm Anh, cử nhân ngành Tài chính Doanh nghiệp tại Đại học Essex, Anh, như nhiều du học sinh ở nước ngoài nhiều năm, cô cũng gặp tình trạng tương tự khi trở về nước làm việc vào năm 2017.
“Ở Anh không có nhiều văn hóa cộng đồng như Việt Nam mà đề cao sự riêng tư”, Diễm Anh chia sẻ. Nhận ra sự khác biệt, cô điều chỉnh và tìm cách hòa nhập. Lúc này, Diễm Anh lại nhận thấy văn hóa cộng đồng mang lại sự ấm áp, quan tâm giữa con người với nhau.
Thứ hai, du học sinh thường mất nhiều thời gian thích nghi với công việc hơn sinh viên trong nước. Lý do là dù cũng được đào tạo các kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, đi thực tập khi còn là sinh viên, nhưng cách vận hành của doanh nghiệp, tổ chức ở nước ngoài khác ở Việt Nam. Vì đã quen môi trường, sinh viên tốt nghiệp trong nước biết giao tiếp và sớm bắt nhịp được với văn hóa làm việc, trong khi du học sinh sẽ phải tìm hiểu để hòa nhập.
Bà Ngân ở Tổ chức giáo dục FPT ví dụ với những công việc về hợp tác quốc tế, sử dụng nhiều tiếng Anh, du học sinh có thể đảm nhiệm tốt. Nhưng nếu giao làm việc hành chính hoặc phải giao tiếp với cơ quan nhà nước, thì họ hầu như không có kinh nghiệm.
Theo bà, còn một lý do nữa khiến một số du học sinh khó hòa nhập là định vị cá nhân cao, muốn làm những vị trí quan trọng, thay vì đi lên từ những công việc đơn giản.
“Đấy là lý do vì sao không phải bạn nào du học về cũng dễ dàng kiếm được công việc”, bà Ngân nói, khuyên du học sinh không nên kỳ vọng quá, có thể chấp nhận những công việc bình thường để có thời gian học hỏi.
Cuối cùng, mức lương không như kỳ vọng cũng là điều khiến du học sinh gặp khó khăn khi xin việc ở Việt Nam. Hai nhà tuyển dụng cho biết lương khởi điểm ở các doanh nghiệp khác nhau, nhưng thường có tâm lý trả cho ứng viên tốt nghiệp ở nước ngoài cao hơn một chút so với sinh viên trong nước, trung bình 13-25 triệu đồng (500-1.000 USD) một tháng.
Diễm Anh thừa nhận mức này rất thấp so với ở nước ngoài. Cô khuyên các du học sinh tìm hiểu thị trường để không bị hụt hẫng. Trong những năm đầu đi làm, họ nên dành thời gian chiêm nghiệm, quan sát để biết mình đang ở đâu và làm thế nào để phát triển bản thân.
“Không có gì uổng công. Đây sẽ là những cái đem lại rất nhiều cho bạn sau này”, cựu du học sinh nói.
Bình Minh