(NLĐO) – Giữa Ấn Độ Dương tồn tại một “lỗ hổng trọng lực” bí ẩn hình tròn, nơi mặt nước biển thấp hơn các khu vực khác trên thế giới hơn 100 m.
Theo Live Science, vết lõm khổng lồ trên mặt nước Ấn Độ Dương hiện có diện tích lên tới 3,1 triệu km2 và nằm cách Ấn Độ khoảng 1.200 km về phía Tây Nam.
Đây là một vùng đại dương hình tròn nơi lực hấp dẫn yếu đến mức mực nước biển ở đó thấp hơn các khu vực khác trên thế giới đến 106 m. Được phát hiện vào năm 1948, nguồn gốc của lỗ hổng trọng lực được gọi là “Geoid low” này vẫn là một bí ẩn.
Nhưng một nghiên cứu công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters đã đưa ra câu trả lời thú vị.
Nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học Trái Đất thuộc Viện Khoa học Ấn Độ đã sử dụng 19 mô hình máy tính để mô phỏng chuyển động của lớp phủ hành tinh và các mảng kiến tạo trong 140 triệu năm qua.
Các mô hình này hướng về một lý do khả thi nhất: Cái chết của một đại dương cổ đại.
Đại dương đó được đặt tên là Tethys, tồn tại giữa các siêu lục địa Laurasia và Gondwana.
Tethys nằm trên một mảng kiến tạo – tức một mảnh vỏ Trái Đất – đã trượt xuống bên dưới mảng Á – Âu trong quá trình chia tách siêu lục địa Gondwana cách đây 180 triệu năm.
Các mảnh vỡ từ mảnh vỏ đã “cõng” đáy đại dương Tethys chìm sâu vào lớp phủ và đến khoảng 20 triệu năm trước, nó đã chạm đến đáy của lớp này, tức phần tiếp giáp với lớp vỏ ngoài của Trái Đất.
Chúng thay thế vật liệu mật độ cao từ một cấu trúc bí ẩn khác đang nằm đó, gọi là “vùng vận tốc cực thấp”, vốn được cho là những gì còn lại của hành tinh Theia từng hợp nhất với Trái Đất sơ khai khoảng 4,5 tỉ năm trước.
Điều này khiến các luồng magma có mật độ thấp bốc lên để thay thế vật liệu dày đặc, làm giảm khối lượng tổng thể của khu vực và làm suy yếu lực hấp dẫn của nó.
Các nhà khoa học vẫn chưa xác nhận những dự đoán của mô hình này bằng dữ liệu động đất. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác sau đó cho thấy magma sâu thẳm của Trái Đất chứa đầy các đốm vật chất lạ.
Các đốm này vốn khác biệt với vật liệu xung quanh nên phải là thứ gì đó từng bị nuốt vào, chưa hòa trộn hoàn toàn, ví dụ các mảng kiến tạo hay vật liệu ngoài hành tinh.
Điều này cho thấy lịch sử kiến tạo của địa cầu đã phức tạp như thế nào.
Ngoài ra, các đốm lạ cũng xuất hiện trong dữ liệu địa chất của Sao Hỏa, hành tinh được cho là đã sinh ra với các đặc tính tương tự Trái Đất.
Các dữ liệu này hứa hẹn giúp các nhà khoa học xây dựng bức tranh hoàn chỉnh về cách các hành tinh đá – tức loại hành tinh giống Trái Đất – phát triển trong vũ trụ.
Nguồn: https://nld.com.vn/ly-do-chet-choc-khien-mat-nuoc-an-do-duong-lom-sau-100-m-196241124082549789.htm