Trong thời gian gần đây, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Đây là một nguồn lực đặc biệt của đất nước và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Trong Nghị quyết số 41-NQ/TW ban hành ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Tập đoàn Masan tham gia Triển lãm Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế Foodex Japan ở Nhật Bản. Ảnh: Thanh Tùng/VNS
Kỳ vọng của Bác Hồ
Ngay sau khi thành lập nước, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam. Người dặn dò: “Giới công-thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công-thương trong công cuộc kiến thiết này”.
Lá thư chưa đầy 200 chữ của Bác đã gửi gắm trọn vẹn niềm tin, sự kỳ vọng của Người vào vai trò và sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam, thể hiện tầm nhìn chiến lược “Dân có giàu – nước mới mạnh” của Bác. Đây cũng trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta, xác định
vai trò và sứ mệnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.
Trong mấy chục năm qua, nhất là gần 4 thập kỷ từ khi tiến hành đổi mới, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.
Đặc biệt, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhận thức của toàn xã hội đối với đóng góp của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn. Đảng, Nhà nước ta xác định đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng; là lực lượng chủ lực, động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động, thu ngân sách nhà nước.
Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Theo đó, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện rõ rệt.
Một niềm vui lớn đối với các doanh nhân trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay là được đón chào Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Mục tiêu tổng quát của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới là “phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”.
Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết đã đưa ra 7 giải pháp cụ thể gồm: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới; Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; Phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Nhiều người hy vọng Nghị quyết số 41-NQ/TW sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Động lực cho tăng trưởng
Ngày nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới gần 900 nghìn doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp FDI, các hợp tác xã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP và 30% tổng số lao động đang làm việc. Đội ngũ doanh nhân tư nhân ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, lên đến hàng triệu người, có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, hoạt động không chỉ trong nước mà còn gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu, vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Một máy bay của hãng hàng không Vietjet tại sân bay Nội Bài. Anh: Huy Hùng/TTXVN
Chúng ta cũng đã có những doanh nhân lọt vào nhóm các “tỷ phú USD”. Đồng thời, xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo. Họ là lực lượng chủ yếu, tiên phong tạo ra nhiều việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nhờ sự đóng góp của giới doanh nhân, đến năm 2022, nước ta đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất toàn cầu. Hàng hóa, sản phẩm Việt Nam đã đến với người tiêu dùng ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; đời sống của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Không chỉ đóng góp vào quá trình xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng luôn nêu cao tinh thần dân tộc, lan toả các giá trị đạo đức, thể hiện trách nhiệm xã hội. Nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đặc biệt, khi đất nước đương đầu với khó khăn chồng chất, phải căng mình ứng phó với hệ quả của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường ở mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua. Họ cũng là những người tiên phong đang giải bài toán hậu COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế bằng nỗ lực nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; tích cực đổi mới hoạt động, thực hiện chuyển đổi số trong quản trị, kinh doanh…
Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng là những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng; đồng thời xây dựng hệ giá trị của doanh nghiệp Việt Nam thông qua những chuẩn mực về văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng; liên kết, hợp tác với nhau tạo thành sức mạnh chung của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, khi Việt Nam tham gia vào những “sân chơi” thương mại lớn, vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng rõ nét, thể hiện khát vọng vươn lên, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng, tạo chuẩn giá trị mới để tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong quá khứ, hiện tại và chắc chắn trong tương lai, doanh nhân Việt đã và sẽ tiếp tục vươn lên, khẳng định tinh thần, văn hoá, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam./.
Hoàng Anh