Phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho hay, có thể khẳng định ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật rất nghiêm túc, chất lượng, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi hồ sơ tài liệu đến Quốc hội từ sớm, bảo đảm thời gian cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu.
Qua phiên thảo luận hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đều đánh giá dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung thể hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội trên một số lĩnh vực.
Dự thảo Luật cũng có nhiều điểm mới, tiến bộ, cơ bản hoàn thiện những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Hà Nội có điều kiện phát triển tốt hơn. Đồng thời, đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết, đi thẳng vào các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật.
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này tạo cơ sở pháp lý khắc phục một số tồn tại, hạn chế cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm, đáp ứng yêu cầu của Trung ương và Nhân dân cả nước.
Thủ đô là “trái tim”, bộ mặt của quốc gia, sánh vai với các cường quốc năm châu
Nhấn mạnh Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa chính trị của cả đất nước, đại biểu Nguyễn Tạo – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, tất cả những gì tốt nhất phải dành cho Thủ đô bởi đây là “trái tim”, bộ mặt của quốc gia.
“Tôi mong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này sẽ có đổi mới căn bản, toàn diện hơn, một nét riêng so với những đặc thù đã áp dụng” – đại biểu Nguyễn Tạo chia sẻ và lưu ý qua kinh nghiệm của các đô thị, tỉnh, thành đã được áp dụng cơ chế đặc thù cho thấy, có nội dung phát huy rất hiệu quả. Đó là việc thu hút nguồn nhân lực tinh hoa nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, vị thế của đất nước trước mắt và lâu dài cũng cần chính sách để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng. Những chính sách này phải do các cơ quan có thẩm quyền quyết định. HĐND, UBND có thẩm quyền quyết định cơ chế đặc thù dành riêng cho mình trên tinh thần tự chủ, tự cường.
“Do vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng sẽ phân cấp rõ ràng, cụ thể cho các cơ quan có thẩm quyền của Thủ đô Hà Nội để thu hút nguồn nhân lực trên cơ sở rút kinh nghiệm tại những đô thị đã được cho phép ứng dụng cơ chế thu hút nguồn nhân lực thành công trong thời gian qua” – đại biểu Nguyễn Tạo nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, Luật Thủ đô (sửa đổi) có sự chuẩn bị rất công phu, có tính kế thừa. Những cơ chế đặc thù của thành phố cũng đã được nhận diện, thông qua để đưa vào trong Luật.
Ủng hộ những nội dung của Luật Thủ đô (sửa đổi) vì phù hợp với bối cảnh chung của thế giới, nhất là việc phân cấp mạnh hơn cho Thủ đô để góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định đây cũng là một định hướng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII – phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương mà đặc biệt là Thủ đô.
Ngoài ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh, những cơ chế đặc biệt cần phải được áp dụng cho Thủ đô để đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/db-quoc-hoi-luat-thu-do-sua-doi-chat-luong-co-nhieu-diem-moi-tien-bo.html