Sáng ngày 27/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Một trong những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) là đã bổ sung quyền gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Nâng cao uy tín quốc tế
Trao đổi với báo giới, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) bày tỏ sự đồng thuận với quy định trên. Theo đó, việc thu hút người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam gia nhập giúp tổ chức Công đoàn trở nên đa dạng hơn về văn hóa, tư duy, kinh nghiệm, kỹ năng và phong cách làm việc từ các quốc gia khác.
Lý giải của đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, khi tham gia Công đoàn Việt Nam, người lao động nước ngoài có thể chia sẻ kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý trong các tổ chức Công đoàn, góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và gắn kết giữa người lao động trong và ngoài nước, tạo điều kiện để học hỏi và phát triển các mô hình hoạt động tiên tiến.
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Công đoàn sửa đổi (Ảnh: T.L). |
Đại biểu cho biết: “Việc mở rộng đối tượng gia nhập Công đoàn bao gồm cả người lao động nước ngoài sẽ góp phần gia tăng số lượng thành viên. Điều này củng cố sức mạnh tập thể mà công đoàn đại diện và khả năng đàm phán của Công đoàn với người sử dụng lao động, cũng như nâng cao tiếng nói của người lao động tại các diễn đàn trong nước và quốc tế”.
Bên cạnh đó, khi người lao động nước ngoài tham gia tổ chức Công đoàn, họ sẽ có thêm một kênh để bảo vệ quyền lợi của mình và đóng góp ý kiến. Điều này giúp xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, hài hòa và bền vững hơn giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đại biểu cho biết thêm, việc mở rộng quyền gia nhập cho người lao động nước ngoài thể hiện sự phát triển cởi mở, tiến bộ và hội nhập của Công đoàn Việt Nam. Điều này giúp nâng cao uy tín và hình ảnh của tổ chức trong mắt cộng đồng quốc tế.
Cần thêm các hướng dẫn cụ thể
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, công đoàn là “tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động”, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Do vậy, việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn cần phải được quy định bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật nhưng cũng phải bảo đảm thu hút người lao động, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, đáp ứng với đòi hỏi thực tiễn của quá trình phát triển.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tại Điều 5 của dự thảo Luật về việc thành lập, gia nhập Công đoàn của người lao động Việt Nam và việc gia nhập Công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, có giải pháp phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện; bổ sung quy định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam về các điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình thẩm tra, xác minh chặt chẽ tính hợp pháp, tuân thủ pháp luật của tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp cũng như tư cách và điều kiện của các thành viên khi gia nhập Công đoàn.
Điều 5 của Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn như sau: 1. Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. 2. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở. 3. Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. |
Nguồn: https://thoidai.com.vn/luat-cong-doan-sua-doi-nguoi-lao-dong-la-cong-dan-nuoc-ngoai-duoc-gia-nhap-cong-doan-co-so-207848.html